Xứ Nghệ - đất học và vốn người

(Baohatinh.vn) - Nói Xứ Nghệ (gồm Nghệ An và Hà Tĩnh) là nói một vùng văn hóa hoặc đất học. Một vùng văn hóa trong đối sánh với nhiều vùng văn hóa khác như: Thăng Long, Kinh Bắc, Sơn Nam; như xứ Thanh, xứ Huế, xứ Quảng...

Xứ Nghệ - đất học và vốn người

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến viếng mộ và thăm Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du tại thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân) ngày 13/12/2021.

Đây là vùng đất rất giàu trữ lượng cho sự khai thác các giá trị tinh thần, từng là chất liệu “phong phú vào bậc nhất” (chữ dùng của Ninh Viết Giao) cho các công trình của nhiều chuyên gia như: Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Khánh, Ninh Viết Giao, Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh... Tổng thể vốn quý về văn hóa, nghệ thuật dân gian xứ Nghệ kết tinh ở ví, giặm được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014.

Một vùng văn hóa hoặc một vùng đất học, với một nền tảng văn hóa dân gian lâu đời và rất có bản sắc cũng đồng thời là cái nôi sản sinh ra những con người ưu tú, làm rạng danh quê hương và đất nước, gần như là một tiếp nối liên tục trong lịch sử hàng trăm năm. Nói như Bùi Huy Bích (1744-1818) khi làm Hiệp trấn Nghệ An:

Nhân tài tự cổ đa hào kiệt

Văn vật như kim tất đại đồng

Có nghĩa là: từ xưa nhân tài ở đây có nhiều hào kiệt, thì văn vật ngày nay cũng chẳng khác xưa.

Ví, giặm được UNESCO tôn vinh năm 2014. Năm 2013, UNESCO tôn vinh Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn vinh năm 1990. Vậy là ở cả hai phía văn hóa dân gian và văn chương bác học, cả hai chiều trung đại và hiện đại, xứ Nghệ đều chọn được vị trí ở ngôi cao nhất.

Xứ Nghệ - đất học và vốn người

Tiết mục “Giao duyên phường Vải” của CLB Dân ca ví, giặm xã Tân Lộc, Lộc Hà. Ảnh: Đình Nhất

Nói văn hóa, trước hết tôi nghĩ đến cái vốn người - cái vốn nằm trong phẩm chất con người xứ Nghệ, như được định hình và kết tinh trong lịch sử.

Trong quan hệ kinh tế với văn hóa, để nói đến tác động của văn hóa đối với kinh tế, cần một kiểm kê về cái vốn người, để đưa cái vốn này làm thành nền tảng, động lực cho sự phát triển KT-XH. Câu chuyện này không còn mới, nhưng vẫn luôn luôn là bài học cần được nhắc nhấn, khi nói đến vai trò của các thứ vốn - như vốn đầu tư, vốn tài nguyên và vốn người. Trong 3 vốn đó, thì vốn người là không có giới hạn và cần được coi trọng ở hàng đầu.

Đặt lên hàng đầu vai trò của cái vốn người, tức là vốn tri thức, vốn chất xám, trên cả tài nguyên, đất đai, đó là bài học của Nhật Bản, của Israel, của Singapore mà cả nhân loại, ai ai cũng công nhận.

Trở lại với xứ Nghệ, nhìn vào lịch sử, rõ ràng có một cái vốn người, được xây dựng chủ yếu bằng sự hình thành một tầng lớp trí thức, dựa trên một nền móng giáo dục có bề dày, để được xem là đất học. Nơi mà truyền thống dạy và học được biểu trưng bằng những ông đồ Nghệ. Nơi có không ít những tên tuổi các bậc thầy lừng danh cho sĩ tử khắp nơi nô nức tìm đến. Nơi có rất nhiều gia hệ nổi tiếng cả nước làm nên dấu ấn và vinh quang cho cả một vùng như họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân; họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (nay là Kim Song Trường), Can Lộc; họ Hoàng Xuân ở Yên Hồ, Đức Thọ; họ Nguyễn Khắc, Hà Huy, Đinh Nho ở Hương Sơn; họ Hồ ở Quỳnh Lưu; họ Nguyễn Sinh ở Nam Đàn; họ Cao Xuân ở Diễn Châu; họ Đặng ở Thanh Chương…

Xứ Nghệ - đất học và vốn người

Đình làng Trường Lưu. Ảnh: Huy Tùng

Những dòng họ lớn như trên từng làm nên gương mặt văn hóa cho cả một vùng. Trong các mối liên kết giữa các dòng họ qua kênh dẫn giáo dục là quan hệ thầy trò, hoặc kênh dẫn hôn nhân - dựng vợ gả chồng, gương mặt văn hóa của một vùng và rộng ra là cả một khu vực được xác định và góp phần làm nên gương mặt chung của văn hóa dân tộc.

Chuyển sang thời hiện đại, xứ Nghệ vẫn giữ nguyên tiếng thơm là đất học. Trong kết hợp truyền thống Nho học với Tây học vào nửa đầu thế kỷ XX, xứ Nghệ vẫn là nơi hội tụ những tên tuổi lớn làm nên gương mặt hiện đại của văn hóa, khoa học, văn chương, học thuật Việt. Ngoài Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu thì đó là Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn, Lê Thước, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Ngọc Phách, Cao Xuân Huy, Phạm Khắc Hòe, Đặng Thai Mai, Phạm Thiều, Nguyễn Xiển, Nguyễn Tạo, Nguyễn Khánh Toàn, Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Hãn, Hà Huy Giáp, Hoài Thanh, Phan Anh, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đổng Chi, Xuân Diệu, Huy Cận... Trong kế tục, đó là sự tiếp nối của những tên tuổi mới như Lê Khả Kế, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trương Chính, Hà Xuân Trường, Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Trinh, Hoàng Ngọc Hiến…

Điều quan trọng không chỉ là một danh sách dài, mà là ở vị thế hàng đầu hoặc nổi bật của những lĩnh vực mà họ là người tiên phong hoặc đại diện. Có nghĩa là vai trò và tầm ảnh hưởng của họ là không giới hạn trong phạm vi xứ Nghệ, mà là chung cho cả nước.

Nửa sau thế kỷ XX, xứ Nghệ vẫn là đất học với sự kết nối liên tục các thế hệ mới, trưởng thành. Trong số này có không ít người đã hoặc đang giữ các vị trí cao trong bộ máy lãnh đạo các ngành, các cấp, hoặc các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy ở thủ đô và nhiều nơi. Nhiều người đạt giải thưởng quốc gia và quốc tế trên các lĩnh vực.

Xứ Nghệ - đất học và vốn người

Di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ Đình Nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng ở làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Ảnh: Thiên Vỹ

Trở lại với yêu cầu chăm nom và tạo hoàn cảnh cho sự phát triển cái vốn người, nhằm duy trì sự kế tục các thế hệ, tôi nghĩ đó là vấn đề không chỉ là trước mắt mà là lâu dài cho sự phát triển của xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng.

Vốn người gồm hai phương diện: đó là tri thức, nó là hàm lượng chất xám và thứ hai là nhân cách, đạo đức. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài chất xám đã được nói nhiều, cần nói thêm về nhân cách, đạo đức mà cái gốc phải là sự củng cố các đơn vị gia đình, nó là tế bào, là gốc rễ cho sự lành mạnh và bền vững các quan hệ xã hội.

Những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống là vấn đề chung của cả nước, không riêng xứ Nghệ. Việc chấn hưng đạo đức rất cần được quan tâm trong yêu cầu xây dựng con người, tạo dựng cái vốn người, nó vẫn và sẽ là nguồn lực cơ bản cho tương lai xứ Nghệ.

Hãy bắt đầu từ gia đình mà chấn hưng gia phong và tái dựng nên sự bình ổn, bình yên cho xã hội. Nhìn vào những dòng người cuối năm về quê ăn tết, bất chấp mọi vất vả tàu xe mới thấy tình gia đình, quê hương quả là một tài sản tinh thần quý giá chừng nào. Tài sản tinh thần đó nhìn vào đâu cũng thấy có. Học giả Hoàng Xuân Hãn hơn nửa thế kỷ sống xa quê, ở Paris (Pháp), không lúc nào không nguôi nhớ đất quê:

Đã hay bốn bể là nhà

Lam Hồng ta mới thật là quê hương

Cũng như Nguyễn Khắc Viện:

Đêm khuya nghe giọng ai hò

Nhớ sông Ngàn Phố, nhớ đò chợ phiên

Càng là người trí thức thì nỗi nhớ quê, yêu quê càng nặng. Bởi sau nỗi nhớ là một bâng khuâng về trách nhiệm, về nghĩa vụ. Trong mọi nỗ lực để làm một trí thức đích thực, chân chính, tôi nghĩ ai cũng có một ước nguyện khẩn thiết - đó là sự cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người thân của quê hương, những con người dường như không thời nào, không thế hệ nào vắng thiếu một trữ lượng lớn của tình thương yêu và một tiềm năng dồi dào về trí tuệ.

Trở lên, từ góc nhìn văn hóa, với hai vế: đất học và vốn người, tôi cố gắng tìm đến một chân dung, hoặc ít ra là một hình dung sơ bộ về con người xứ Nghệ trong lịch sử, rất đáng tự hào về nhiều phương diện, xứng đáng là “đất thiêng”, là “địa linh nhân kiệt” như được truyền dẫn qua lịch sử và được nhân loại tôn vinh.

Nếu bài viết gợi được một ít tự hào có căn cứ trong lịch sử và gợi một ít lo lắng nhưng không quá bi quan cho tương lai mà tạo được một tin tưởng và nỗ lực vươn lên, thì đó là điều tôi mong mỏi.

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Chủ đề Hội nghị văn hóa Hà Tĩnh

Đọc thêm

Cụ bà U100 say mê Truyện Kiều

Cụ bà U100 say mê Truyện Kiều

Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt trong văn học Việt Nam, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân. Dù gần 100 tuổi, cụ Trần Thị Tám ở xã Hồng Lộc (Hà Tĩnh) vẫn thuộc và say sưa luận giải Kiều.
Có một "phố cổ" giữa lòng xã nhỏ nhất Hà Tĩnh

Có một "phố cổ" giữa lòng xã nhỏ nhất Hà Tĩnh

Giữa một vùng quê ven sông La - nơi được biết đến là xã nhỏ nhất của tỉnh Hà Tĩnh lại tồn tại một góc phố mang dáng dấp cổ kính, phảng phất hồn xưa như một “phố cổ Hà Nội” thu nhỏ.
Làng Phú Quý trù phú, xanh tươi

Làng Phú Quý trù phú, xanh tươi

Về thôn Phú Quý, xã Đông Kinh, tỉnh Hà Tĩnh. Dạo bước trên những tuyến đường bê tông nhựa rộng rãi, không chỉ cảm nhận được sự bình yên, trù phú mà còn thấy rõ sức sống mới của miền quê trù phú, xanh tươi 
Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Bằng nhiều cách tiếp cận và truyền tải linh hoạt, ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh đang nỗ lực làm mới công tác gia đình, để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa trong cộng đồng.
Khi ví, giặm "chạy show"…

Khi ví, giặm "chạy show"…

Không còn đơn thuần xuất hiện trên sân khấu hội diễn tuyên truyền, dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh từng bước hiện diện trong các show diễn giải trí, chuyển hóa thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như hiến đất mở đường, giúp đỡ người nghèo, tích cực trong các hoạt động của địa phương, anh Trương Quang Nghĩa, thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (TP Hà Tĩnh) đã góp sức làm cho quê hương thay da đổi thịt.
Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê trong tâm thức bao thế hệ. Trong đó, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi làng quê, đang cần được khôi phục và phát huy.
Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Ông Hồ Duy Lý - Bí thư Chi bộ thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân, sống trọn nghĩa đạo - đời.
Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Hơn 4 năm kể từ lần đầu tiên hiến máu, đến nay, ở độ tuổi 22, Hoàng Thị Hồng Thương (xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có đến 21 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu.
Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Học Bác từ những điều bình dị, giản đơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hơn 20 năm nay, anh Đào Anh Tuân - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) trở thành người “kết nối” lịch sử nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc.
Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Nhận trọng trách Bí thư Chi bộ thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ông Mai Văn Tường gương mẫu đi đầu, "thắp lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới bằng quyết tâm cao, nghị lực lớn và cả những hy sinh để biến một làng quê khó khăn thành điểm sáng.
Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Những hàng rào bằng tường gạch khô cứng hay thép gai sắc nhọn được thay thế bằng cây xanh kết hợp với bồn hoa. Đây là cách mà một số cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa hay nhà dân trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh làm mới hàng rào, xanh hóa không gian, tạo cảnh quan thoáng đãng, sạch đẹp.