Ngay khi còn là học sinh, qua những áng thơ văn và theo dòng lịch sử của đất nước, trong mắt tôi, xứ Nghệ đã hiện lên như một vùng quê có nhiều cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình, người dân Nghệ Tĩnh với tính cách hồn hậu, chân tình. Những câu chuyện về vua Hàm Nghi chọn Sơn Phòng (Hương Khê) làm nơi bàn tính, mưu toan việc lớn và rừng Vũ Quang, Hương Khê trở thành đại bản doanh của cụ Phan Đình Phùng tụ hội anh hùng chí sĩ bốn phương đánh giặc cứu nước đã cuốn hút tôi.
Quang cảnh cầu Bến Thủy. Ảnh Sách Nguyễn
Lớn lên, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi cùng đoàn quân đi giải phóng miền Nam, được đi qua và dừng chân nơi xứ Nghệ, rồi được đi học đào tạo thành sĩ quan quân đội. Ra trường không lâu, tôi may mắn hơn số bạn bè là được điều về công tác tại Nghệ Tĩnh, từ đó đến nay đã gần 40 năm, bằng 2/3 thời gian của cuộc đời, nay tôi đã trở thành người Nghệ Tĩnh, định cư ở TP Hà Tĩnh. 3 đứa con của tôi cũng được nuôi dưỡng, học hành và trưởng thành từ mảnh đất này.
Trong quá trình công tác, tôi được tiếp xúc với nhiều thế hệ người Nghệ Tĩnh. Tình cảm trong tôi được hình thành nên từ chính những người bạn đó, từ cách sống chân thành, đầm ấm của họ, từ những câu chuyện họ kể, từ những món ăn giản dị mà ấm áp, từ những mảnh đời nhiệt huyết, cố gắng, quyết tâm và không đầu hàng số phận. Qua bao cơn gió lào nóng rát da rát thịt, qua bao cuồng nộ phong ba đổ vào dải đất này mà người xứ Nghệ vẫn đứng vững hiên ngang giữa trời đất, vẫn thể hiện bản lĩnh kiên cường.
Nước chè xanh - nét văn hóa mộc mạc trong lòng người xứ Nghệ.
Tôi vẫn thường nói với bạn bè, người thân của mình là tôi có hai quê: Nam Hà và Nghệ Tĩnh. Nghệ Tĩnh cũng là quê hương yêu quý của tôi. Tôi yêu quê hương Nghệ Tĩnh vì Nghệ Tĩnh là mảnh đất nghèo nhưng đầy thơ mộng. Ai có dịp qua Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ được ghé qua những bãi biển trải dài cát trắng, những đồi núi xanh bên những con sông xanh, những di tích lịch sử gắn bó qua một quãng thời gian dài dựng nước và giữ nước như: Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, phà Bến Thủy, bến Tam Soa...
Những thôn xóm, làng mạc mang vẻ đẹp đắm say với những con người chất phác, thân thiện và gần gũi khiến ai qua đây cũng thấy thoải mái và ấn tượng. Tôi yêu thương Nghệ Tĩnh còn vì đây là vùng đất nghèo, nơi gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của những cơn bão lớn, những đợt gió lào nóng cháy da, cháy thịt và những trận mưa bom bão đạn của kẻ thù trong những năm chiến tranh ác liệt. Nhưng không vì vậy mà người dân giảm đi niềm tin trong cuộc sống, trái lại, gian khổ, khó khăn càng làm cho tình yêu quê hương trong họ ngày càng da diết và cháy bỏng hơn bao giờ hết.
Bến Tam Soa
Không được thiên nhiên ưu đãi cho ruộng đồng phì nhiêu, mưa thuận gió hòa nên người dân Nghệ Tĩnh đã sớm hun đúc nên một tinh thần nhẫn nại, kiên cường của một cư dân nông nghiệp chật vật giành lấy một chỗ sống dưới mặt trời. Vì vậy, người xứ Nghệ có tiếng là gân guốc, khô khan, rắn rỏi; tư duy thường rạch ròi, có khi cứng nhắc. Trước một sự việc, người Nghệ Tĩnh thường căng ra suy nghĩ, phân tích cho rõ trước, rõ sau, phải trái, trắng đen.
Nổi bật của người xứ Nghệ là hành động, đấu tranh đến quên mình. Thế nên, tính tình người xứ Nghệ cũng có phần hơi khác: chịu gian khổ chứ nhất quyết không chịu nhục, gan góc có phần bướng bỉnh, mưu trí đến liều lĩnh. Nhưng nổi hơn hết đó là khảng khái, thẳng thắn, biết quên mình vì nghĩa lớn, ý thức cộng đồng mạnh mẽ, tha thiết yêu quê hương, đất nước.
Từ đức tính đó, miền quê này đã sản sinh ra biết bao lãnh tụ kiệt xuất, từ vua Mai Hắc Đế, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập… Đó là những sao sáng của nước Việt, là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ với vùng đất cách mạng, nơi đã dấy lên nhiều phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tình quê xứ Nghệ thấm đượm trong những làn điệu dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh Trần Chung
Xứ Nghệ còn tự hào là vùng đất học. Sự học ở đây không chỉ cho hiểu biết mà còn để “đổi đời”, học để “lấy chữ làm sang”. Thời đại nào cũng vậy, học trò xứ Nghệ thường đỗ đạt cao, đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài, nhiều nhà khoa học. Khi nói đến người Nghệ Tĩnh, người ta hay nhắc “ông đồ xứ Nghệ”. Họ là những trí thức được học chữ thánh hiền, nhưng vì lý do nào đó mà không thể làm quan nên đành quay về nghề dạy học, khăn gói đi khắp bốn phương tìm nơi gieo chữ. Dù nghèo khó, phải tằn tiện, đi khắp nơi làm nghề gõ đầu trẻ để kiếm miếng cơm manh áo với giai thoại “cá gỗ” đeo đẳng suốt hành trình nhưng ông đồ Nghệ không bao giờ hèn kém. Tính “gàn” không chỉ ở mình ông mà của cả người xứ Nghệ. “Gàn” của người xứ Nghệ chính là trạng thái tâm lý mà ở đó có sự khác biệt, sự xung đột giữa lý trí và hiện thực, bắt hiện thực phải chiều theo tư duy của lý trí.
Vì yêu quê hương Nghệ Tĩnh, coi đây như quê hương của mình nên trong thời gian công tác ở Nghệ Tĩnh và sau này là Hà Tĩnh, ngoài việc hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao ở các cương vị chỉ huy trong quân đội, tôi đã cùng các nhà sử học của địa phương biên soạn và xuất bản hàng chục cuốn sách lịch sử, trong đó có một bộ 7 cuốn lịch sử quân sự và 19 cuốn lịch sử ngành, địa phương; triển khai nghiên cứu hàng chục đề tài, dự án khoa học.
Ngoài ra, tôi còn tham gia nghiên cứu, viết luận chứng đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 huyện, thị; 136 xã và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Hà Tĩnh. Năm 2009, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, tôi tiếp tục tham gia hoạt động KH&CN tại địa phương và được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển KH&CN Hà Tĩnh.
Được cống hiến cho quê hương là một điều tôi vô cùng phấn khởi và tự hào, mong rằng còn có sức khỏe để được cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương Nghệ Tĩnh.