Câu hát dòng Lam

(Baohatinh.vn) - Từ thuở nhỏ, tôi đã được nghe nhiều câu dân ca man mác, da diết và sâu lắng về quê hương Hà Tĩnh, về tình yêu đôi lứa. Và những câu hát được cất lên từ dòng Lam quê tôi luôn gợi nhắc về truyền thống văn hóa của cha ông, luôn gợi mở những cảm xúc về tình yêu quê hương...

Sau này lớn lên, được biết về ví giặm, trong đó có ví đò đưa sông La, sông Lam, tôi càng cảm nhận được vẻ đẹp và sức sống mạnh mẽ của những câu hát bắt nguồn từ một dòng sông.

Câu hát dòng Lam

Làng chài ven sông Lam. Ảnh Huy Tùng

Nhạc sĩ Lê Hàm là người đã có công nghiên cứu, sưu tầm về ví giặm Nghệ Tĩnh, đặc biệt là điệu ví dòng La, dòng Lam. Nay tuy đã tuổi 87, ông vẫn rất minh tường và còn say sưa sáng tác. Ông kể: “Từ những năm 1948-1949, lúc còn là thiếu sinh quân, được đi thuyền trên sông La, nghe người chèo đò hát ví, tôi đã thắc mắc: Điệu gì mà hay thế? Sau này, khi đã trở thành người sáng tác, trong những năm kháng chiến chống Mỹ công tác ở Ty Văn hóa Hà Tĩnh, tôi đã dày công cho việc sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu ví giặm, trong đó có điệu ví sông La, sông Lam”.

Ông đã theo thuyền ngồi trên sông, quan sát lúc chèo thuyền xuôi dòng, ngược dòng, người dân hát như thế nào, từ đó tìm ra nguồn gốc, đặc điểm âm nhạc của các làn điệu ví trên sông. Bằng sự quan sát tinh tế, ông chỉ ra: Ví phường vải bắt đầu là chữ “Người ơi” nhẹ nhàng, tha thiết, cấu tạo âm bằng một quãng 3 thứ, sau đó chuyển sang 2 trưởng. Ví đò đưa sông La, chữ “Người ơi” bắt đầu vào bài cất lên vút cao, trong sáng, được cấu tạo ở quãng 2 trưởng, bởi câu ví được hình thành trong khoảng không gian bao la của dòng sông La.

Câu hát dòng Lam

Hát ví trên sông Lam. Ảnh Minh Chiến

Còn ví đò đưa sông Lam lại khác. Ví đò đưa sông Lam cũng bắt đầu vào bài bằng “Người ơi”, cấu tạo giai điệu ở quãng 3 thứ (la-đô hoặc sol-si). Nhưng ví đò đưa sông Lam chỉ hát trên sông lúc đò đang xuôi (ví nước xuôi) hoặc ngược dòng (ví nước ngược), còn khi neo đậu không ai hát nữa. Khi thuyền trôi trên sông, người chống đò cầm sào đi lên phía mũi thuyền, bỏ sào chống xuống nước, tay cầm sào tì vào phía trước bả vai, rồi lấy sức chống con sào đi thong thả về vị trí cũ là hết cội sào, lúc đó họ nghỉ ngơi và cất tiếng hát. Âm điệu của ví đò đưa sông Lam vì vậy man mác, bao la, sâu lắng. Phần nhạc như đã nói ở trên, còn phần lời thì thường sử dụng thơ lục bát hoặc song thất lục bát của ca dao trữ tình, nội dung về tình yêu đôi lứa, quê hương, đất nước...

Câu hát dòng Lam

Nhạc sĩ Lê Hàm

Cũng theo nhạc sĩ Lê Hàm, các bài hát ví sông Lam, sông La hầu hết sử dụng làn điệu ví nước xuôi. Các nhạc sĩ sau này sáng tác sử dụng các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, trong đó có những làn điệu ví cũng là ví nước xuôi. Điển hình là bài hát: “Tiếng hát sông Lam” của nhạc sĩ Đinh Quang Hợp. Trong này có nguyên văn 4 câu ví sông Lam cổ (nước xuôi):

Ờ... ơ... chơ ai biết nước sông Lam răng là trong, là đục

Thì mới biết sống cuộc đời răng là nhục, là ơ vinh.

Thuyền em lên thác xuống ơ… ghềnh

Nước non là nghĩa, là tình ai ơi...

Câu hát dòng Lam

Sông Lam - nơi khơi nguồn cảm xúc âm nhạc cho nhiều thế hệ nhạc sỹ. Ảnh Internet

Nhiều tác phẩm âm nhạc cải biên từ dân ca hoặc sử dụng đậm đặc chất liệu ví sông Lam, sông La được đông đảo khán giả yêu thích như: “Tiếng hò trên đất Nghệ An” (Tân Huyền), “Người con gái sông La” (Doãn Nho), “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” (Nguyễn Văn Tý), “Hà Tĩnh quê hương ta”, “Người mẹ Làng Sen” (Lê Hàm), “Hà Tĩnh mình thương”, “Neo đậu bến quê” (An Thuyên), “Điệu ví giặm là em” (Quốc Nam)…

Bài “Tiếng hò trên đất Nghệ An” của nhạc sĩ Tân Huyền, nếu người nghe không để ý đến tác giả thì có khi nhầm tưởng đó là ví sông Lam, vì âm hưởng dân ca ví đậm đặc của nó:

Ôi dòng nước sông Lam chảy từ trên ngàn

Qua những Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn

Còn nghe, còn nghe tiếng hò ngày xưa vọng vang…

Ơ (chơ) nước sông Lam biết khi mô cho cạn

Cũng như tinh thần cách mạng của dân ta…

Bài hát “Người con gái sông La” của nhạc sĩ Doãn Nho cũng mở đầu bằng những câu hát mang âm hưởng dân ca ví: Ơ… ơ… (chơ) trời mô xanh bằng trời Can Lộc/(chơ) Nước mô xanh bằng dòng nước sông La/ Ai về Hà Tĩnh (mà) quê ta/ Nhớ chăng, nhớ chăng đôi mắt… Người con gái sông La kiên cường...

Câu hát dòng Lam

Nhiều ca khúc hiện đại cũng được bắt nguồn cảm xúc từ dòng Lam, dòng La. Ảnh tư liệu

Dòng sông La, sông Lam không chỉ đưa nước mát và phù sa tưới tắm, bồi đắp cho những ruộng đồng, bờ bãi, nuôi lớn bao con người bằng những cá tôm, là phương tiện giao thông cho thuyền bè xuôi ngược mà còn chở mang, chất chứa nguồn thi liệu dồi dào, là không gian diễn xướng một thời cho những câu hò, điệu ví. Nó đã góp phần không nhỏ vào đời sống âm nhạc dân gian, âm nhạc hiện đại, bồi đắp tâm hồn, tình cảm của người Xứ Nghệ, góp phần tạo nên di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sông suốt đời vẫn chảy. Bãi bờ dù khác xưa trong nhịp sống hối hả, không gian diễn xướng dù không còn bởi các phương tiện giao thông gắn máy và tâm thế con người đã khác. Nhưng, trong đời sống âm nhạc, trên các sân khấu, sàn diễn lớn nhỏ, câu ví đò đưa sông La, sông Lam vẫn được cất lên, man mác, sâu lắng, trữ tình, gợi lên quá khứ hào hùng của quê hương, đưa con người trở về những giá trị văn hóa, vỗ về, ấp iu những yêu thương, nhân ái, vị tha, nghĩa tình cho con người Xứ Nghệ, con người Việt Nam. Chất liệu dân ca ví vẫn là nguồn sống dồi dào để các thế hệ nhạc sĩ tiếp tục sáng tạo nên các tác phẩm âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa Xứ Nghệ.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.