Tùy bút: Chuyện đời, sông sẽ kể

(Baohatinh.vn) - Sông Lam - con sông đổ về từ cao nguyên Xiengkhoang (Lào), qua các địa danh của Nghệ An, trước khi ra biển chảy qua Hà Tĩnh rồi hòa vào dòng La, xuôi ra Cửa Hội. Sông Lam qua Hà Tĩnh tuy không dài nhưng đã trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo của miền quê sâu đậm nghĩa tình...

Ngày nay, người dân trên vùng thượng lưu này vẫn gọi đây là sông Cả (chỉ phần nhánh chính từ Nghệ An của sông Lam) nhánh này hợp với nhánh lớn thứ hai là sông La, từ Hà Tĩnh, để tạo thành phần hạ nguồn của sông Lam đổ xuôi ra biển. Cũng từ nơi đây, cùng với núi Hồng Lĩnh, sông Lam chính thức trở thành huyết mạch của Xứ Nghệ.

Tùy bút: Chuyện đời, sông sẽ kể

Chiều trên sông Lam. Ảnh Đặng Thiện Chân

Năm 11 tuổi, tôi có chuyến du thuyền trên sông La lần đầu tiên trong đời. Chuyến đi bắt đầu từ xóm Bến xuôi xuống đến ngã ba Phủ, nơi hợp lưu với dòng sông Lam thì dừng. Đó là một cảnh quay trong bộ phim tư liệu về những cán bộ lão thành cách mạng mà ông tôi chính là nhân vật thời tuổi trẻ đã từ cung đường đó ngược nguồn dòng sông Lam bên đất Nghệ An, sau đó đi vào miền Nam hoạt động bí mật thời tiền khởi nghĩa. Hồi ấy tôi không hiểu gì nhiều, chỉ thấy ông nhìn lên mạn ngược, phía xa làng xóm, bờ bãi lúc ẩn lúc hiện trong màn sương khói mơ màng rồi ôm lấy vai tôi: “Con sau này lớn lên, nếu có dịp xuôi ngược dòng Lam, hẳn sẽ hiểu vì sao dòng sông lại gợi nên nhiều nhớ thương trong lòng ta đến thế. Bởi mỗi dòng sông luôn mang trong mình những câu chuyện, giữ trong mình bao trầm tích lịch sử - văn hóa của vùng đất mà nó đã chảy qua… mà ta gọi là quê nhà”.

Vào ngày mùng 7 tháng Giêng năm 2020, tôi đã làm cuộc hành trình hơn mấy trăm cây số lên tận Tương Dương để tham dự lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào, nơi ghi nhớ công thần nhà Trần Đoàn Nhữ Hài cùng các tướng sỹ phụng mệnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông dẹp giặc Ai Lao đã tử trận. Nhân dịp này, đồng bào thường tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh cầu mong mưa thuận gió hòa tại Cửa Rào nơi dòng Nậm Mộ, Nậm Nơn hợp lưu thành sông Lam, chính thức chảy vào đất Việt với hơn 360 km đường dài xuôi ra biển.

Tùy bút: Chuyện đời, sông sẽ kể

Bến Giang Đình bên sông Lam - một trong Nghi Xuân bát cảnh nổi tiếng từ xa xưa. Ảnh Trần Chung

Ngày nay, người dân trên vùng thượng lưu này vẫn gọi đây là sông Cả (chỉ phần nhánh chính từ Nghệ An của sông Lam) nhánh này hợp với nhánh lớn thứ hai là sông La, từ Hà Tĩnh, để tạo thành phần hạ nguồn của sông Lam đổ xuôi ra biển qua Cửa Hội. Cũng từ nơi đây, cùng với núi Hồng Lĩnh, sông Lam chính thức trở thành huyết mạch của Xứ Nghệ, góp phần hình thành, vun đắp truyền thống lịch sử và văn hóa vùng quê mang đậm dấu ấn bản sắc. Hai bên dòng sông Lam có những làng văn hóa của Nghệ An và Hà Tĩnh như: Yên Hồ (Đức Thọ), Tiên Điền, Uy Viễn (Nghi Xuân), Trung Lương (TX Hồng Lĩnh), Trung Cần, Hoành Sơn, làng Kim Liên (Nam Đàn)… góp phần tạo nên một vùng văn hóa Lam Hồng.

Chuyện Yên Hồ là làng văn hóa, sau này lớn lên, đọc sách tôi mới tỏ tường nhưng rõ rằng từ bé, ông nội đã kể cho tôi nghe về làng như để gợi nhắc cho con cháu sau này nhớ về quê cha đất tổ. Ông kể: người xưa cho rằng, Yên Hồ có thế đất điểu linh, hai cánh dang rộng là Nội Diên và Yên Phúc, Diên Vượng là cái đầu đang uống nước sông La. Con sông La trong xanh vòng quanh nối với sông Minh thơ mộng, ôm hai làng đó phía trong, cùng xóm Đồng Dâu phía ngoài lại tạo nên thế chữ Tâm, đây là cái thế bền vững muôn đời… Bởi thế, mỗi lần đi về quê, những câu chuyện của ông cứ như mở ra trước mắt. Tôi hình dung được trong không gian êm ả của những buổi trưa hè, các mẹ, các chị chăn tằm dệt vải, trong tiếng thoi đưa lách cách, những câu ví sông La cứ trong trẻo bay cao. Hay những đêm mùa đông, bóng các ông, các chú thợ rèn trên lò lửa rực hồng quần quật tay đe, tay búa.

Tùy bút: Chuyện đời, sông sẽ kể

Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh (trái) và nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy (phải). Ảnh tư liệu của Anh Hoài

Ông tôi có hai người bạn, thi thoảng người vẫn đưa tôi đến chơi nhà là ông Huy và ông Đỉnh (nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy và nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh). Mỗi lần đến đoạn trà dư tửu hậu là lúc các ông bàn chuyện thế thái nhân tình. Những lần đó, ông Huy vẫn một tác phong cũ, đĩnh đạc khoan thai, vừa nhấp một ngụm trà, vừa nói chuyện về cuốn khảo cứu “Non nước Hồng Lam” của ông vừa mới ra đời.

Cuốn sách được chia làm 2 phần: Núi sông - Danh thắng; Phong thổ - Lễ hội là các bài khảo cứu về núi, sông, danh thắng, di tích, làng xã, địa danh, lễ hội… đã được giới nghiên cứu nhận định rằng, sau L.Breton với “An Tĩnh cổ lục”, Nguyễn Đổng Chi với “Địa chí dân gian Nghệ Tĩnh”, Thái Kim Đỉnh với “Đất văn vật Hồng - Lam”. Núi sông Hà Tĩnh từ thuở khai thiên tịch trải bao thăng trầm dâu bể đã hiện lên trong “Non nước Hồng Lam” của Võ Hồng Huy rất hữu ích cho những ai yêu mến và tìm hiểu về văn hóa Nghệ - Tĩnh.

Sau này tôi mới nhận ra những ngày thơ bé theo ông đi khắp nơi, những câu chuyện, những giai thoại về vùng đất, về dòng sông, về quê hương, con người đã từ vô tình trở thành hữu ý in hằn trong ký ức để rồi nó như một chiếc chìa khóa giúp tôi mở ra cánh cửa để tìm hiểu kho tàng văn hóa Xứ Nghệ.

Đối với người Nghệ Tĩnh, hình ảnh sông Lam luôn ăn sâu trong tiềm thức. Con sông này không chỉ là những dòng chảy địa lý mà còn là dòng chảy của văn hóa, lịch sử. Cũng chính từ những ngọn nguồn ấy, các làn điệu dân ca ví, giặm được gắn với từng sinh hoạt lao động thường ngày đã được ra đời. Người ta vẫn mãi nhắc đến làng Kim Liên, Bồi Sơn (Nghệ An), Tiên Điền, Trường Lưu (Hà Tĩnh) là cái nôi của dân ca ví, giặm - một di sản văn hóa mang tầm cỡ nhân loại.

Tùy bút: Chuyện đời, sông sẽ kể

Sông La đoạn qua xã Trường Sơn (Đức Thọ). Ảnh Huy Tùng

Có một lần cùng bạn đi dọc tuyến đường xanh ven sông Lam, chúng tôi đứng thật lâu nhìn ra dòng sông xanh trôi trong buổi chiều tà. Tôi kể với bạn mình đã đọc ở đâu đó một câu ví von rằng: Sông Lam là dải lụa khổng lồ mà các tiên nữ trên thiên đình vừa dệt xong, đem nhúng nhuộm vào thứ nước màu lam và trải phơi trên mây trời bị gió cuốn xuống hạ dưới mà thành.

Chúng tôi đã đứng đó thật lâu, giữa sơn thủy hữu tình của vùng quê Đan Nhai để rồi nhận ra rằng, trước khi hòa vào biển cả, sông Lam đã bồi tụ cho nơi phía cuối nguồn một vùng quê mênh mang sóng nước với hàng chục ngôi làng cổ. Ở mạn tả Lam bên Nghệ An có Cổ Đan (xã Phúc Thọ), Đan Hải (xã Nghi Hải), Đan Trang (xã Nghi Xuân), xa về phía thượng nguồn có Đan Nhiễm (Nam Đàn); ở mạn hữu Lam bên Hà Tĩnh có Hội Thống (xã Xuân Hội), Đan Trường (xã Xuân Trường cũ), Đan Phổ (xã Xuân Phổ)… đã nói lên được sự trù phú, sầm uất của người Nghệ Tĩnh xưa.

Người ta nói rằng: “Sự khởi nguồn thịnh vượng cho đô thị là sứ mệnh của các dòng sông” là để nhớ về những khởi thủy văn minh chắc là vì lẽ đó. Dòng sông đã đem lại nền tảng cho sự sống, xây dựng nên những nền văn minh, gắn kết đời sống văn hóa suốt hàng nghìn năm như một chứng nhân của lịch sử của vùng đất đó. Bởi thế, những làng cổ, làng nghề cùng các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc của cư dân vùng đất hai bờ sông và những phụ lưu đã làm nên một dòng văn hóa - văn hóa sông Lam.

Tôi nhìn thuyền xuôi cửa bể lại ngẫm nghĩ mãi về ngọn nguồn của dòng sông. Nếu như dòng Nậm Mộ, Nậm Nơn nguyên thủy sơ khai đã bao nhiêu lần đổi dòng để hòa vào làm một, những di vết của lịch sử Cửa Rào - Đền Vạn cũng qua bao nhiêu thời đại đã và đang làm cho Nghệ An thay đổi từng ngày, thì bên này Hà Tĩnh, dòng Ngàn Sâu, Ngàn Phố vẫn miệt mài hòa chung dòng La góp vào dòng chảy sông Lam, cùng thôi thúc khát vọng sáng tạo, dựng xây ngày mới.

Chợt nghĩ rằng: dòng sông muôn đời vẫn thế, cứ miệt mài gạn đục vui buồn, khơi trong lịch sử hàng nghìn năm trước, hàng vạn năm sau để tự kể câu chuyện đời mình… Bởi thế cho đến nay, những giá trị mà sông Lam mang lại vẫn còn hiện hữu, cho thấy sức sống bền bỉ vượt thời gian của văn hóa Xứ Nghệ.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.