Đông đảo người dân đến thắp hương tưởng nhớ các cô
Vầng sáng ký ức…
Tháng 4/1968, trước tình hình địch đánh phá ác liệt Ngã ba Đồng Lộc, cả Tiểu đội 4 cùng Đại đội 552 được điều về đây làm nhiệm vụ san lấp hố bom, đảm bảo thông đường, thông xe. Địa điểm đầu tiên Tiểu đội 4 đến là xã Mỹ Lộc, sau đó do bị lộ nên chuyển về thôn Mai Long, xã Xuân Lộc, ở tại nhà bà Nguyễn Thị Ý, bà Trần Thị Hải, gần nhà C trưởng Nguyễn Thế Linh.
Bà Nguyễn Thị Ý hồi tưởng lại quãng thời gian các cô gái TNXP Đồng Lộc về ở trong nhà bà
Gần 90 tuổi, tai không còn nghe rõ những âm thanh xung quanh, nhưng bà Nguyễn Thị Ý vẫn tỉnh táo đến lạ khi tôi hỏi về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc năm xưa. Giọng run run, bà kể lại những cái tên, những kỷ niệm không thể nào quên về khoảng thời gian vỏn vẹn 1 tháng khi các o: Tần, Rạng, Thanh, Xuân, Hà, Hợi sống và sinh hoạt tại nhà bà. “Tiểu đội ở nhà bà 6 cô, còn những người khác ở nhà bà Hải. Ngày đó nghèo lắm, các cô tự nấu ăn toàn rau với khoai độn chút cơm, bà con trong xóm thương tình nên thi thoảng có đồ ăn lại mang sang cho các cô để cải thiện, nhưng được chút cá, chút thịt, các cô toàn nhường nhau” - bà Ý nhớ lại.
Mắt ngân ngấn lệ, bà Ý chỉ tay về hướng Ngã ba Đồng Lộc nói: “Khoảng 2h chiều hôm đó, các cô giặt đồ xong thì được điều đi san lấp hố bom và làm hầm trú ẩn. Không ngờ, lúc ấy gần 17h chiều, có người tất tả chạy về báo tin với bà, 10 cô hy sinh hết (5/6 cô sống tại nhà bà hy sinh, chỉ có o Thanh hôm ấy bị ốm nên ở nhà). Các cô ra đi khi chưa kịp ăn bữa cơm chiều cháu ạ…”.
Ông Nguyễn Thế Linh - cựu Đại đội trưởng Đại đội 552 (Tổng đội TNXP 55) bồi hồi kể lại những năm tháng đau thương nhưng rất đỗi anh dũng của lực lượng TNXP Hà Tĩnh và 10 cô gái Đồng Lộc nói riêng.
Ngồi trước khoảng sân rộng nhấp ngụm nước chè xanh, ánh mắt xa xăm và đầy luyến nhớ, ông Nguyễn Thế Linh - cựu Đại đội trưởng Đại đội 552 (Tổng đội TNXP 55) bồi hồi kể lại những năm tháng đau thương nhưng rất đỗi anh dũng cùng Đại đội 552 nối dài những con đường độc lập đi tới miền Nam ruột thịt. “Hôm đó, sau khi máy bay Mỹ ùn ùn kéo đến thả bom gần chỗ Tiểu đội 4 đang đào hầm, ông vội vàng vứt ống nhòm, đồ đạc chạy về phía đó. Tốp TNXP của A5 đi sau và các A khác làm gần đó chạy ào đến gào thét, bộ đội, công nhân lái máy ủi gần đó cũng lao ra gọi tên từng người. Đến nơi, chỉ còn thấy hố bom sâu hoắm, một vài chiếc cuốc, xẻng văng ra nhưng không nghe thấy một tiếng người. Suốt chiều và đêm hôm đó, đồng đội đã đào bới, tìm kiếm thi hài các chị, riêng chị Hồ Thị Cúc mãi đến 3 ngày sau mới tìm được trên đồi Trọ Voi.
Thi hài các cô lúc đầu được an táng tại đồi Bãi Dịa, thôn Mai Long, về sau chuyển về nghĩa trang huyện Can Lộc ở xã Thiên Lộc, cuối cùng mới về tại đồi Trọ Voi, xã Đồng Lộc như hiện nay. Giọng ông Linh run run: “Suốt 1 tháng sau khi các cô mất, không đêm nào ông ngủ yên. Buổi đêm, khi làm nhiệm vụ, ông lại một mình ra ngồi cạnh hố bom nơi các cô hy sinh. Ông là con trai, cứng rắn mà không hiểu sao cứ nhìn đến đấy là khóc như trẻ con cháu ạ…”.
Xuân Lộc xanh tươi...
Mạch nguồn yêu nước, yêu quê hương vẫn tuôn trào để hôm nay thôn Mai Long - mảnh đất cuối cùng Mười Cô gắn bó trước khi hy sinh, cuộc sống mới đang hiện hữu trên những con đường bê tông phẳng lỳ, những mái ngói đỏ tươi trong nắng mới. Vượt qua bom đạn tàn phá và thiên tai khắc nghiệt, người dân Mai Long hôm nay đang dốc sức, dốc lòng để xây dựng NTM. Ông Phan Đăng Tuân tâm sự: “Nhà tôi ở gần nhà bà Hải, bà Ý. Hồi đó, chúng tôi còn nhỏ nên chẳng nhớ nhiều; chứng kiến cảnh mỗi năm sau ngày mất, các cô, các mẹ, các dì đến khóc thương con tại nhà bà Ý, bà Hải, lòng chúng tôi thắt lại. Xuân Lộc trong kháng chiến chống Mỹ cũng chịu không ít mất mát, hy sinh. Tự hào về truyền thống cách mạng, chúng tôi càng thêm quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Trưởng thôn Nguyễn Thành Công chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, cả thôn đã huy động toàn thể nhân dân tiến hành chỉnh trang bờ tường, xây dựng thêm gần 6 km rãnh mương thoát nước, hỗ trợ nhiều ngày công cho các gia đình xây dựng vườn mẫu. Bà con tham gia rất tích cực”.
Cây trái ngát xanh trên vùng đất được coi là “tọa độ chết” năm xưa.
Trong ảnh: Mô hình cây ăn quả của gia đình anh Phan Đăng Tuyên, thôn Mai Long, xã Xuân Lộc.
Nhờ sự cố gắng vươn lên của người dân, thôn Mai Long đã xuất hiện các mô hình làm kinh tế giỏi, góp sức vào sự phát triển chung của xã Xuân Lộc như: Anh Phan Đăng Tuyên, Phạm Bá Thiên (mỗi vườn có từ 300 - 400 gốc bưởi và cam). Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc Thái Đăng Định cho biết: “Xuân Lộc đang huy động toàn lực lượng để phấn đấu về đích NTM trong năm 2018 này. Gần 10 tỷ đồng được huy động, giải tỏa gần 20.000m hành lang giao thông, gần 3.000 m2 được hiến và hàng chục ngàn ngày công của nhân dân đổ xuống là nguồn lực quyết định để Xuân Lộc cán đích NTM đúng thời hạn. Nếp sống mới đang được nhân lên từng ngày nhờ có nhà văn hóa thôn khang trang, sân thể dục thể thao đạt chuẩn”.