Bất cập trong xây dựng đường giao thông nông thôn

(Baohatinh.vn) - Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân là chính, Nhà nước hỗ trợ một phần”, những năm qua, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn Hà Tĩnh đã có bước phát triển mạnh.

Giai đoạn 2010-2014, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 8.200 km đường nhựa, đường bê tông xi măng; là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về làm GTNT. Các tuyến đường GTNT được đầu tư xây dựng góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Bất cập trong xây dựng đường giao thông nông thôn ảnh 1

Nhân dân Thạch Đồng (TP. Hà Tĩnh) ra quân làm giao thông thủy lợi nội đồng

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số tuyến đường do công tác khảo sát, xây dựng quy hoạch, thiết kế và tổ chức thi công đang tồn tại bất cập, khiến chất lượng chưa cao, chưa thực sự chú ý đến kỹ thuật, thẩm mỹ.

Thể hiện rõ nhất là tại các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm do người dân đóng góp và tự thiết kế, thi công. Việc san gạt tạo nền, lu đầm nền đường chưa thực hiện đúng kỹ thuật, hoặc trong quá trình thi công không thực hiện việc đầm bê tông bằng máy mà chỉ san gạt bằng tay... dẫn đến tuổi thọ của bê tông bị ảnh hưởng. Hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, do đó, khi đưa vào khai thác trong thời gian ngắn đã bị xuống cấp.

Nguyên nhân là do chưa thực hiện đúng trình tự về quản lý đầu tư xây dựng như: lập thiết kế kỹ thuật, tổ chức thi công và công tác bảo dưỡng công trình... Bên cạnh đó, cán bộ chuyên ngành về quản lý giao thông ở huyện còn thiếu, chưa đủ thời gian để quản lý, giám sát hết các công trình xây dựng dưới thôn xóm.

Trách nhiệm về chất lượng công trình GTNT phải được gắn chặt với từng chủ thể tham gia trong quá trình đầu tư xây dựng, đó là người dân, chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, mới có cán bộ quản lý giao thông cấp huyện chứ cấp xã không có. Trong khi đó, cán bộ xã kiêm nhiệm nhiều việc nên GTNT ở cấp xã không có người quản lý.

Vì thế, cần có cơ chế, chính sách để bố trí bộ phận chuyên trách theo dõi, quản lý, bảo dưỡng đường ở cấp xã. Bộ phận này không cần thiết phải có thêm biên chế mà chỉ cần bố trí một người có trách nhiệm theo dõi về giao thông. Cán bộ này chỉ cần làm nhiệm vụ kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, bảo dưỡng. Việc thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng có thể huy động sức dân.

Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan như: GTVT, Xây dựng, NN&PTNT và chính quyền các huyện, thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định kỹ thuật. Trong đó, đặc biệt quan tâm công tác tập huấn, hướng dẫn đội ngũ cán bộ cấp xã và trưởng các thôn xóm về kỹ thuật thi công, quản lý, bảo trì đường GTNT.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast