Xử lý hợp lý, hợp tình việc lấn chiếm, tranh chấp đất rừng ở tiểu khu 192

(Baohatinh.vn) - Năm 2010, xã Hòa Hải (Hương Khê) bắt đầu thực hiện chủ trương đưa cây cao su vào địa bàn, nhưng khi họp bàn các hộ dân ven rừng ở xóm 16 và 17 (nay là xóm 11) thì nhân dân không đồng tình vì trồng cao su thì sẽ không có nơi chăn thả trâu bò, ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, nhân dân đang thiếu tư liệu sản xuất, doanh nghiệp không bố trí được việc làm cho lao động địa phương…

Dù bị phản đối nhưng chính quyền địa phương đã không sớm báo cáo tình hình lên huyện, chủ quan và không xây dựng phương án kỹ mà đã hoàn tất thủ tục trình cấp trên để cho Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê Hà Tĩnh thuê 517,7 ha rừng và đất lâm nghiệp. Vì vậy, ngay sau khi công ty này nhận đất thực địa và triển khai SXKD thì một số hộ dân vào ngăn cản, lấn chiếm và vụ việc tiếp tục phát sinh theo xu hướng ngày càng phức tạp, khó xử lý.

Khu vực xẩy ra tranh chấp, lấn chiểm đất rừng
Khu vực xẩy ra tranh chấp, lấn chiểm đất rừng

Để giải quyết tình hình, chính quyền đã quy hoạch cấp đất ở khoảnh 9A và khoảnh 10 cùng tiểu khu cho các hộ nhưng họ vẫn không đồng ý vì những địa điểm này cách khu dân cư quá xa, đi lại khó khăn và không muốn trồng cao su ngay sát khu vực sinh sống... Đến nay, dù chính quyền các cấp và đơn vị liên quan đã làm việc nhiều lần nhưng các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết, số hộ tham gia lấn chiếm đã lên tới trên 60 hộ, diện tích đất rừng bị lấn chiếm đã tăng lên trên 170 ha (tại các khoảnh 5, 7, 9, 11), người dân vẫn chưa ủng hộ chủ trương chung.

Có thể khẳng định rằng, dù bất cứ lý do gì thì việc hàng chục hộ dân ở xóm 11 vào lấn chiếm đất rừng ở tiểu khu 192 là hoàn toàn trái pháp luật. Mặt khác, vấn đề này đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến tình hình ANTT trên địa bàn, hoạt động SXKD của doanh nghiệp, sinh kế của nhân dân nên sớm có phương án giải quyết vụ việc một cách dứt điểm. Tuy nhiên, trong vụ việc này có lỗi từ nhiều phía và các ý kiến, nguyện vọng của nhân dân cũng cần phải được xem xét nghiêm túc…

Do vậy, trước hết, chính quyền địa phương, chủ rừng và các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn các hành vi xâm lấn rừng để tình hình không phức tạp thêm. Công tác tuyên truyền, vận động cần phải thực hiện sâu rộng để người dân hiểu, chấp hành trong các vấn đề có liên quan, nhất là việc nhận đất được cấp ở khu vực mới đã được quy hoạch. Doanh nghiệp cũng nên chia sẻ thông tin với nhân dân, có phương án hỗ trợ kinh phí sẻ phát và tiền công chăm sóc ở những diện tích đã được trồng keo, giúp đỡ làm các thủ tục hành chính khác...

Nếu người dân không chấp nhận phương án hỗ trợ của doanh nghiệp và không nhận đất ở khu vực mới quy hoạch thì chính quyền phải thu hồi diện tích đang lấn chiếm, tranh chấp này, tuyệt đối không để nguyên hiện trạng và hợp thức hóa quyền sử dụng đất. Sau khi tình hình ổn định thì mới có phương án chia lại số tư liệu sản xuất này theo phương châm ưu tiên tối đa cho người dân ven rừng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân phát triển sản xuất lâm nghiệp. Về phía Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê Hà Tĩnh thì cần điều chỉnh quy hoạch, chia sẻ quyền lợi với người dân sở tại để tiếp tục hợp tác làm ăn lâu dài, hạn chế tối đa thiệt hại, xích mích không đáng có trong quá trình SXKD trên địa bàn, đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast