>> Bộ trưởng Canada tham quan mô hình sản xuất chè tại Kỳ Anh
Những năm qua, được sự hỗ trợ của Liên đoàn Đô thị Canada và Hiệp hội Đô thị Việt Nam, thành phố Hà Tĩnh đã có cơ hội hợp tác với thị trấn Langley (dự án điểm về đối tác MPEG) để xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế địa phương theo phương pháp có sự tham gia của cộng đồng. Nhờ đó, thành phố đã có điều kiện để tiếp cận phương pháp lập kế hoạch chiến lược hiệu quả, phát huy được ý kiến tham gia của các nhóm lợi ích trong xã hội, tạo điều kiện để chính quyền địa phương có thêm nhiều thông tin khi đưa ra quyết định về phát triển kinh tế địa phương.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đánh giá quá trình hợp tác là cơ hội tốt cho thành phố quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển của địa phương, đồng thời để cán bộ được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với bè bạn quốc tế và các địa phương trong nước, nhất là về các phương thức phát triển kinh tế, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Dự án hợp tác với Canada mang lại hiệu quả tích cực, có nhiều ý nghĩa đối với thành phố Hà Tĩnh và các đô thị khác.
Lãnh đạo TP Hà Tĩnh tặng quà cho bà Bộ trưởng Marie-Claude Bibeau |
Hiệu trưởng Đại học Hà Tĩnh tặng quà cho Đại sứ David Devine |
Bộ trưởng Marie-Claude Bibeau cho biết, đây là chuyến công tác đầu tiên tại Việt Nam và cũng là chuyến công du đầu tiên của bà kể từ khi đảm nhận chức vụ mới. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của Chính phủ Canada với Việt Nam.
Bà Marie-Claude Bibeau khẳng định, Chính phủ Canada luôn luôn ủng hộ Việt Nam trong cách thức làm việc với các đối tác, tổ chức xã hội dân sự. Qua buổi tọa đàm, đoàn muốn nắm bắt thêm các giải pháp thực hiện cũng như kế hoạch, tầm nhìn của lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh trong tương lai. Ngoài ra, đoàn còn khảo sát tình hình biến đổi khí hậu tại Hà Tĩnh để xây dựng một dự án hỗ trợ tỉnh trong vấn đề này.
Sau buổi tọa đàm, đoàn tới thăm Khu thư viện Canada tại Trường Đại học Hà Tĩnh, tham quan mô hình chuỗi sản phẩm lợn ở xã Thạch Long (Thạch Hà) và HTX chế biến nông sản xã Đức Thủy (Đức Thọ).
Đoàn tới thăm Khu thư viện Canada tại Trường Đại học Hà Tĩnh... |
... và tham quan mô hình chuỗi sản phẩm lợn ở xã Thạch Long (Thạch Hà) |
Từ tháng 9/2014 đến nay, các thành viên HTX chăn nuôi lợn xã Thạch Long đã tiến hành nuôi 2 lứa, bán ra thị trường 1.100 con lợn với tổng trị giá 5,17 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập người chăn nuôi được nâng lên (trung bình lứa 1 lợi nhuận đạt 7,5 triệu đồng/hộ, lứa 2 đạt 15 triệu đồng/hộ); kỹ thuật chăn nuôi được nâng cao qua các khóa tập huấn; chất lượng thịt lợn được kiểm soát bởi việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản xuất. Về mô hình sản xuất chuỗi lúa tại Đức Thọ, hiện các hộ dân sản xuất được 1.100 ha, qua 3 vụ, năng suất trung bình đạt 5 tấn/ha, doanh thu đạt 48 tỷ đồng, lợi nhuận tăng thêm 4,66 triệu đồng so với trước đây. Các vùng sản xuất lúa tập trung theo hướng hàng hóa được hình thành; kỹ năng quản lý THT/HTX và trình độ sản xuất lúa theo chuỗi giá trị của người dân được nâng cao; thương hiệu gạo Đức Thọ được mở rộng. |