Ba mũi đột phá để thị xã Kỳ Anh tăng tốc

(Baohatinh.vn) - Sự phát triển nhảy vọt của Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng không chỉ làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế của Hà Tĩnh mà còn đặt nền móng vững chắc đưa thị xã Kỳ Anh phát triển theo 3 mũi đột phá: CN-TTCN, thương mại - dịch vụ - du lịch, nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, quy mô lớn.

Ba mũi đột phá để thị xã Kỳ Anh tăng tốc ảnh 1

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã hoạt động, đạt và vượt công suất thiết kế

Động lực từ Vũng Áng

Trong tổng số 12 đơn vị hành chính của thị xã Kỳ Anh, có đến 9 xã, phường nằm trong KKT Vũng Áng, đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ. Theo Phó ban Quản lý KKT tỉnh Đặng Văn Thành, sau gần 1 thập kỷ hình thành và phát triển, KKT Vũng Áng đã khẳng định được vị thế của KKT động lực của cả nước và khu vực. Hiện nay, KKT Vũng Áng nổi lên 3 lĩnh vực và đang được xem là đứng đầu cả nước, gồm: điện năng, luyện thép và cảng biển nước sâu.

Các nhà máy điện đầu tư tại đây có tổng công suất khoảng 7.000 MW. Trong năm 2014, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200 MW) do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư đã hòa lưới điện quốc gia. Đầu năm 2015, các tổ hợp nhiệt điện do Tập đoàn Formosa đầu tư cũng bắt đầu phát điện; các tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Mitsubishi (Nhật Bản) cũng sẽ khởi công Nhiệt điện Vũng Áng 2 và 3.

Tập đoàn Formosa đang đẩy nhanh tiến độ thi công các lò cao để cuối năm 2015 chính thức đi vào sản xuất; từ năm 2016 trở đi, sản xuất ổn định 7,5 triệu tấn thép/năm phục vụ trong nước và xuất khẩu. Dự kiến, đến năm 2020, tập đoàn này tiếp tục nâng công suất lên 22 triệu tấn thép/năm để trở thành nhà máy sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á. Cùng với đó, Formosa còn đầu tư hệ thống cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam cho tàu 20-30 vạn tấn vào làm hàng tự động. Trong năm 2015, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS) đã chính thức đưa vào hoạt động những bến cảng nước sâu đầu tiên. Với ưu thế tạo nên sức hút của hệ thống cảng biển nước sâu Sơn Dương - Vũng Áng, một lượng hàng không nhỏ của nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh ở khu vực sẽ đổ vào đây và hứa hẹn trở thành một trong những cảng lớn nhất nước...

Theo số liệu từ Ban Quản lý KKT tỉnh, hiện nay, KKT Vũng Áng có hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh với số vốn đăng ký lên đến 25 tỷ USD. Hiện có hàng chục vạn lao động, chuyên gia trong và ngoài nước (30 quốc gia) làm việc tại đây. Riêng năm 2014, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn và một số vấn đề phát sinh nhưng KKT Vũng Áng đã giải ngân được 2,6 tỷ USD. Tính đến tháng 12/2014, trên địa bàn KKT có 35.340 lao động làm việc tại các dự án, trong đó, có 6.075 lao động nước ngoài. Dự kiến, đến năm 2020, số lao động tại đây sẽ tăng lên trên 190.000 người.

Ba mũi đột phá để thị xã Kỳ Anh tăng tốc ảnh 2

Lĩnh vực Tài chính Ngân hàng được xem là một trong những mũi nhọn dịch vụ đón đầu sự phát triển của KKT Vũng Áng

3 mũi đột phá của đô thị mới

Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh - Nguyễn Quốc Hà cho biết, nhằm khai thác lợi thế do KKT Vũng Áng mang lại, dựa vào các quy hoạch, chiến lược phát triển, thời gian tới, thị xã Kỳ Anh sẽ tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ 3 mũi đột phá trong phát triển kinh tế: CN-TTCN, thương mại - dịch vụ - du lịch, nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao, quy mô lớn. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ như: đóng tàu, cơ khí chế tạo thiết bị, máy móc, vật liệu xây dựng, vật liệu mới, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm... Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm, điểm CN-TTCN, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư các dự án thuộc ngành công nghiệp ưu tiên: chế biến nông, lâm, thủy - hải sản theo hướng hiện đại, hạn chế việc bán sản phẩm thô; hình thành thêm các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Theo chia sẻ của phụ trách Phòng Quản lý đô thị và Kinh tế thị xã Nguyễn Thị Hoài Nam, nhằm khai thác lợi thế của đầu mối giao thông khu vực, địa phương đang tích cực mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm đưa lĩnh vực thương mại - dịch vụ và du lịch thành ngành kinh tế chủ lực của thị xã kết nối với các trung tâm thương mại lớn của tỉnh, hành lang kinh tế Đông Tây của Lào và Đông Bắc Thái Lan. Xây dựng chợ mới Kỳ Anh trở thành trung tâm thương mại của thị xã và khu vực; đồng thời, hình thành mạng lưới phân phối tại các chợ đầu mối, siêu thị... Tăng cường quảng bá, phát triển các loại hình du lịch, du lịch biển gắn với du lịch tâm linh ở Kỳ Ninh, Kỳ Nam; du lịch sinh thái hồ Sông Trí, Tàu Voi, Mộc Hương, Kim Sơn, Cơn Trè… gắn với bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Đồng thời, khai thác các loại hình du lịch mới như: du lịch tham quan khu công nghiệp ở KKT Vũng Áng, du lịch cảng biển, du lịch các nhà máy công nghiệp, ưu tiên đầu tư xây dựng các công viên cây xanh, cảnh quan, vừa đảm bảo phúc lợi cộng đồng, vừa phát triển kinh tế.

Thị xã cũng sẽ dành nguồn lực xứng đáng, tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển diện tích rau an toàn theo quy hoạch sử dụng đất, hình thành vành đai rau xanh, trồng hoa và phát triển thương hiệu rau an toàn ở Kỳ Hoa, Kỳ Hưng, phường Kỳ Trinh. Ngoài ra, phát triển nuôi tôm, cá mú, cá bơn trên các vùng đất cát ven biển Kỳ Phương, Kỳ Nam; thực hiện việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở Kỳ Hưng, Kỳ Trinh, Kỳ Hà và Kỳ Ninh…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast