Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ HTX - Cần đi vào thực chất

(Baohatinh.vn) - Với mục tiêu nâng cao chất lượng các HTX, Liên minh HTX tỉnh đã liên kết mở các lớp đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ quản trị, quản lý điều hành, kế toán, kỹ năng khởi sự doanh nghiệp... cho đội ngũ quản lý các đơn vị. Tuy nhiên, công tác đào tạo còn mang tính hình thức, chất lượng sau đào tạo chưa như mong đợi.

Ra đời từ thời bao cấp, qua nhiều lần chuyển đổi, HTX Nông nghiệp Nam Sơn (thị trấn Nghèn - Can Lộc) nay đã có bộ máy tổ chức theo Luật HTX mới. Tuy đội ngũ quản lý đã được kiện toàn, song hiệu quả SXKD vẫn chẳng khá lên bởi doanh thu chỉ vẻn vẹn 100-150 triệu đồng/năm. Kết quả này phản ánh sự yếu kém từ cán bộ.

Cần đào tạo nghiệp vụ cho xã viên HTX đi vào chiều sâu, thực chất, biến những kiến thức đã học vào thực tiễn SXKD để tạo hiệu quả, đưa kinh tế tập thể thoát khỏi yếu kém kéo dài

Cần đào tạo nghiệp vụ cho xã viên HTX đi vào chiều sâu, thực chất, biến những kiến thức đã học vào thực tiễn SXKD để tạo hiệu quả, đưa kinh tế tập thể thoát khỏi yếu kém kéo dài

Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Sơn - Võ Quang Dảnh thừa nhận: “Mặc dù đội ngũ quản lý HTX đã trải qua các lớp bồi dưỡng, song, do hạn chế về trình độ, tuổi tác và chưa qua đào tạo nghiệp vụ cơ bản nên chỉ mới tham gia cho đủ con số chứ chưa phát huy hiệu quả sau khi học”. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều HTX hiện nay.

Chị Lưu Thị Hồng Gấm - Phó trưởng phòng Đào tạo (Liên minh HTX Hà Tĩnh) cho biết: “Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2015, đơn vị đã phối hợp tổ chức 22 lớp tập huấn cho các cán bộ là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc, ban kiểm soát, kế toán, các sáng lập viên HTX… với thời gian 3-5 ngày/khóa, tổng kinh phí khoảng 350 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả chưa như mong đợi”.

Theo ông Ngô Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, những nguyên nhân căn bản là do chương trình, nội dung tập huấn chậm đổi mới, nặng về lý thuyết; đào tạo còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào ngành nghề thiết yếu; giảng viên thiếu và yếu, chưa có đội ngũ chuyên trách đào tạo các lĩnh vực phát triển kinh tế đặc thù, phương pháp cũ mòn, lý thuyết; kinh phí thấp, trang thiết bị thiếu, lạc hậu, chưa có nhiều mô hình để giới thiệu, tham quan, học tập; quản lý đào tạo nghề còn chồng chéo, chưa có cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát; công tác tuyên truyền hạn chế.

Ngoài ra, nhận thức của các HTX về vai trò của công tác đào tạo cán bộ và năng lực, ý thức của người học chưa cao cũng khiến cho kết quả sau đào tạo còn hạn chế.

“Trình độ người học không đồng đều, một số người năng lực hạn chế nên chưa tiếp thu được kiến thức giảng viên truyền tải. Thậm chí, chỉ những HTX kiểu mới, có nhu cầu phát triển kinh tế mới thực sự quan tâm đào tạo cán bộ, còn lại không mấy mặn mà. Không ít trường hợp học viên đi học cho có phong trào, một bộ phận cho rằng, tiền hỗ trợ thấp nên không tham gia…” - Phó trưởng phòng Đào tạo (Liên minh HTX tỉnh) cho biết thêm.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh tế tập thể Hà Tĩnh năm 2015, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: “Cần có giải pháp hữu hiệu để việc đào tạo nghiệp vụ đi vào chiều sâu, thực chất, biến những kiến thức đã học vào thực tiễn SXKD để tạo hiệu quả, đưa kinh tế tập thể thoát khỏi yếu kém kéo dài”.

Muốn nâng cao chất lượng cán bộ, ngoài việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại HTX, cần thay đổi căn bản công tác đào tạo hiện nay. Theo đó, cần dành kinh phí thỏa đáng cho công tác bồi dưỡng cán bộ, thành viên HTX; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy gắn với thực tiễn và có thể mời giám đốc các HTX năng động tham gia thông qua các mô hình cụ thể… giúp học viên vững vàng về kiến thức, chuyên sâu về nghiệp vụ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast