Những ngày này, HTX Đóng tàu Hải Hà (xã Thạch Kim) lại trở nên nhộn nhịp, tất bật. Tàu thuyền nối đuôi nhau vào bến để sớm được lên kệ sửa chữa, bảo dưỡng. “4 ngày nay, chúng tôi đã và đang sửa chữa, bảo dưỡng trên 20 tàu thuyền, gần bằng 6 tháng trước. Việc sửa chữa, bảo dưỡng đã trở lại bình thường như trước đây từ nguồn tiền bồi thường sự cố môi trường biển của Formosa. Chúng tôi đang cố gắng bố trí nhân lực, phương tiện, “đẩy” hết công suất để bà con sớm vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản...” - Giám đốc HTX Lê Tiến Hải, dừng tay hàn, cho biết.
Nhận được tiền bồi thường sự cố môi trường biển, bà con ngư dân Thạch Kim đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền tại HTX Đóng tàu Hải Hà.
Chủ tàu công suất dưới 90 CV Biện Hồng Châu (xóm Sơn Bằng, xã Thạch Kim) đang cùng thợ bảo dưỡng máy tại xưởng, vui vẻ cho biết, anh vừa nhận được 91 triệu đồng tiền bồi thường là đưa tàu đến đây sửa chữa ngay để sớm đi biển. “Ngoài việc sửa chữa, bảo dưỡng, tôi còn mua thêm ngư cụ. Không có được số tiền bồi thường này thì chắc ngư dân chúng tôi chỉ biết neo tàu tại chỗ...” - anh Châu nói. Tàu của anh Phạm Văn Thanh (xóm Sơn Bằng) thì “bệnh” nặng hơn. Tỏ vẻ sốt ruột, anh cho biết, tàu phải đại tu và đã nằm ở đây 3 hôm rồi, chắc hơn tuần nữa mới có thể xuất xưởng đi biển được... Tôi hỏi anh, sửa có tốn nhiều tiền không, anh đáp, khoảng trên 30 triệu đồng.
Trao đổi với ông Hà Minh Tân - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, được biết, sau khi nhận được tiền đền bù, bà con đều có kế hoạch của riêng mình nhưng phần lớn là tập trung mua sắm ngư cụ, sửa chữa tàu thuyền để tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản. Một số ít chưa có kế hoạch thì tạm gửi tiền vào ngân hàng. Kết quả tích cực dễ nhận thấy là số lượng tàu thuyền ra khơi nhiều hơn, theo đó, sản lượng trên địa bàn tăng dần lên. Được biết, Thạch Kim là xã có số tiền được bồi thường nhiều nhất trong 7 xã bị thiệt hại từ sự cố môi trường biển của huyện Lộc Hà. Tính đến hết ngày 21/11, bà con ngư dân đã nhận được trên 40 tỷ đồng.
Người dân Lộc Hà vui mừng khi nhận được tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển
Bà con ngư dân xã Thịnh Lộc sau khi nhận tiền đền bù cũng đầu tư vào sản xuất, ổn định đời sống với quyết tâm tiếp tục bám biển. Ngư dân Lê Doãn Khoa (xóm Yên Điềm) đã có kế hoạch chi tiết cho số tiền 117 triệu đồng vừa được đền bù. “Tôi đã đầu tư 12 triệu đồng mua lưới để đánh bắt tốt hơn; mua thêm 2 con bò và nuôi thêm ít con gà. Số tiền còn lại, tôi gửi tiết kiệm, mai mốt bỏ thêm để đóng tàu lớn hơn. Nhiều tàu trong xã vừa đi đánh bắt về, cá nhiều và ngon, dù giá vẫn chưa được như trước đây. Biển đã bình thường trở lại...” - ông Khoa cho biết.
Theo Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc Nguyễn Công Trình, xã đã có định hướng để bà con sử dụng tiền bồi thường một cách hiệu quả, tập trung vào sản xuất, tránh lãng phí. Theo đó, xã giao các khối đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn bà con và mời cán bộ ngân hàng về để các hộ chưa có kế hoạch sử dụng tiền bồi thường gửi tiết kiệm... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Nhàn, tính đến trưa ngày 21/11, huyện đã tổ chức chi trả trên 66,570/165 tỷ đồng tỉnh phê duyệt cho 3/7 xã bị thiệt hại. Tổng kinh phí huyện đề nghị phê duyệt là 183.247.110.000 đồng.
Có thể nói, bước đầu, số tiền đền bù sau sự cố môi trường biển đang được bà con ven biển Lộc Hà sử dụng có kế hoạch, hiệu quả nhằm phục vụ sản xuất và ổn định cuộc sống.