Hai tuần tìm kiếm MH370: Thất vọng và nghi ngờ

Cho đến giờ chiếc máy bay vẫn là một bí hiểm lớn. Trong khi đó Bắc Kinh có phần căng thẳng với Malaysia về chuyện tìm kiếm.

Hai tuần lễ sau khi chiếc máy bay chở khách của Malaysia mất tích cùng 239 người trên khoang, giới chức hữu quan đang chuẩn bị tinh thần phải “đối mặt với một chặng đường dài” khi mà các cuộc tìm kiếm của mấy chục quốc gia trong thời gian qua đều không đem lại mấy kết quả ngoài sự thất vọng và những nghi ngờ mới.

Trong khoang một chiếc máy bay tham gia tìm kiếm phi cơ mất tích (ảnh: Malaysia Times)

Trong khoang một chiếc máy bay tham gia tìm kiếm phi cơ mất tích (ảnh: Malaysia Times)

Đội tìm kiếm quốc tế ở vùng nam Thái Bình Dương vào hôm 22/3 đã quay trở lại một khu vực mà vệ tinh phát hiện có các mảnh vỡ nghi của chiếc máy bay.

Sáu phi cơ và hai tàu thủy đã sục sạo khu vực này, mặc dù giới chức Australia đã cảnh báo các vật thể nói trên, bao gồm một cái dài tới 24m, có thể không liên quan tới chiếc máy bay mất tích.

Cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đều đang gửi máy bay tới khu vực này. Tàu hải quân Australia và Trung Quốc cũng di chuyển tới địa điểm đó, được cho là nằm cách thành phố Perth (Australia) hơn 2.000km về phía tây nam.

Giới chức An toàn Hàng hải Australia khẳng định điều kiện thời tiết ở đó rất tốt khi tầm nhìn xa lên tới 10km.

Máy bay và tàu thủy cũng đã nối lại việc tìm kiếm ở Biển Andaman giữa Ấn Độ và Thái Lan, tiến vào các khu vực đã được lùng sục kỹ càng trước đó ngõ hầu tìm thêm manh mối giải mã một trong các bí ẩn lớn nhất của hàng không hiện đại.

Giới chức Malaysia nhìn nhận thực tế về năng lực tìm kiếm của mình nên đã tích cực phối hợp với nhiều quốc gia trong cuộc tìm kiếm này.

Trong một cuộc họp báo hôm 21/3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin cảnh báo thiết bị ghi giọng nói và dữ liệu trong hộp đen của máy bay chỉ có thể truyền tín hiệu điện tử trong vòng 30 ngày trước khi hết pin. Ông nói, sau khi hết pin, việc định vị chiếc hộp đen sẽ khó khăn rất nhiều.

Giới điều tra đang chú ý nhiều đến khả năng không tặc hoặc phá hoại nhưng cũng không loại trừ các trục trặc kỹ thuật.

Đáng lưu ý, vụ việc ở một chừng mực nào đó đã làm căng thẳng quan hệ giữa Trung Quốc và Malaysia. Bắc Kinh đã liên tục yêu cầu Kuala Lumpur tăng cường hoạt động tìm kiếm và phải chăm sóc tốt hơn thân nhân các hành khách Trung Quốc mất tích.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã bác bỏ các phàn nàn cho rằng nước ông khước từ chia sẻ các thông tin nhạy cảm với chính phủ các nước khác.

Một chuyên gia lập luận rằng các nỗ lực tìm kiếm có thể gặp trở ngại do việc ngần ngại chia sẻ dữ liệu radar nhạy cảm và các năng lực radar tại một khu vực vốn đầy các nghi ngờ trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy về quân sự và có nhiều tranh chấp lãnh hải.

Hai nhân vật gần gũi với cuộc điều tra cho hay cuộc tìm kiếm đã bị chậm lại trong vài trường hợp do các trì hoãn về thủ tục giấy tờ cần thiết cho việc đưa máy bay giám sát hàng hải của nước ngoài vào lãnh hải Malaysia.

Trong khi đó hôm 19/3, một số gia đình thân nhân hành khách Trung Quốc đã nổi giận, giăng biểu ngữ phản đối phía trước một nhóm nhà báo và yêu cầu chính phủ Malaysia cung cấp sự thật. Tình hình này đã khiến cảnh sát phải can thiệp và đưa những vị thân nhân này ra khỏi khu vực họp báo./.

Trung Hiếu (theo Reuters)

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast