Chuyện nghề đứng sau “cánh gà” (bài 1): Âm thầm tô điểm

(Baohatinh.vn) - Buổi biểu diễn kết thúc thành công, nhưng những tiếng vỗ tay, những bó hoa, thậm chí là các danh hiệu... không dành cho họ. Nhọc nhằn, lặng lẽ đứng sau những vinh quang cùng bao trăn trở, những kỹ thuật viên (KTV) âm thanh, ánh sáng và nhạc công vẫn ngày ngày say sưa với công việc của mình.

Kỹ thuật viên kiêm “cửu vạn”

Khi phía trên sân khấu, những ca sĩ, diễn viên tươi cười, xúng xính trong những bộ phục trang đẹp mắt thì ở một góc nhỏ phía sau hội trường hay bên cánh gà sân khấu, những KTV âm thanh, ánh sáng chau mày, căng thẳng trong từng cử động, cho dù trước đó đã thử máy, đã “chạy” chương trình. Họ chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm khi chương trình kết thúc mà không xảy ra bất kì sơ sót nào về âm thanh, ánh sáng.

Sau ánh đèn sân khấu lộng lẫy, hào nhoáng, những kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng lặng lẽ cùng bao trăn trở với nghề.

Sau ánh đèn sân khấu lộng lẫy, hào nhoáng, những kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng lặng lẽ cùng bao trăn trở với nghề.

Nhiều người có thể lầm tưởng, chỉ cần trong tay có bộ đèn đủ màu sắc, kiểu dáng hiện đại thì… “nhạc nào cũng nhảy”. Trên thực tế, để có thể vận hành các thiết bị âm thanh, ánh sáng, ngoài kỹ thuật về điện, kiến thức chuyên ngành thì các KTV phải có năng khiếu trong lĩnh vực nghệ thuật, hiểu ý đồ tác giả để xử lý cho phù hợp. Một đêm diễn bao nhiêu tiết mục thì sẽ có bấy nhiêu “phông” ánh sáng, âm thanh khác nhau.

Là KTV âm thanh phải thực sự “nghe âm thanh”, có độ thính, độ nhạy bén nhất định; chỉ cần nghe chất giọng người biểu diễn có thể điều chỉnh, phối hợp hài hòa giữa âm lượng và chất lượng. Còn KTV ánh sáng thì vừa phải có cái đầu của nhà hội họa, vừa là kỹ sư điện, vừa là nghệ sỹ để đảm bảo ánh sáng không chỉ sáng là đủ mà còn mang tính nghệ thuật.

Nhiệm vụ chuyên môn là vậy, họ còn luôn là những người đến đầu tiên để chuẩn bị, lắp ráp các thiết bị và là người ra về sau cùng khi chương trình kết thúc để dọn dẹp dụng cụ; thậm chí còn kiêm luôn “cửu vạn” trong những chương trình lưu động.

Vừa tất bật chuẩn bị cho chuyến đi lưu động ở Vũ Quang, anh Đậu Duy Hán, KTV ánh sáng (Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh) vừa nói: “Với những chương trình diễn ra buổi tối, về đến nhà khi đồng hồ chỉ 2-3h sáng là chuyện thường tình. Nhưng điều đó không quan trọng, chỉ cần trong đêm diễn, khán giả hào hứng là chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh, quên hết mọi mệt nhọc”.

Nhạc công - chẳng quản công

Cùng chung nỗi niềm với những KTV âm thanh, ánh sáng là những nhạc công. Họ ở nơi “không thấy mặt người” mà chỉ nghe tiếng đàn để dệt nên những giai điệu đẹp, cho tiếng hát thêm sâu lắng, ngân vang. Hạn hữu lắm, những nhạc công được “hiên ngang” đứng trên sân khấu lung linh ánh đèn để biểu diễn, thế nhưng, họ cũng chẳng phải là tâm điểm trong sự chú ý của khán giả.

Rời ánh đèn sân khấu hào nhoáng những người nhạc công lại trở về căn trọ xập xệ mà ít ai thấu

Rời ánh đèn sân khấu hào nhoáng những người nhạc công lại trở về căn trọ xập xệ mà ít ai thấu

Để có được một tiết mục, người nhạc công phải trau chuốt trong từng tiếng đàn, tự luyện tập, sau đó, tập chung với người hát, ráp với hệ thống âm thanh, ánh sáng để điều chỉnh sao cho có được bản phối thành công nhất.

Anh Nguyễn Đức Thịnh - nhạc công organ (Trung tâm Văn hóa - Thể thao TX Hồng Lĩnh) hóm hỉnh: “Rất nhiều chương trình nghệ thuật quần chúng, đàn cho những “ca sĩ” không chuyên hát, nhiều khi nhạc công phải chạy theo ca sĩ đến đứt hơi chứ chẳng đùa. Nhưng dù có phải chạy thế mà vừa lòng người hát, người nghe thì chúng tôi đều cố gắng”.

“Càng ngày, nghệ thuật biểu diễn càng bị “công nghiệp hóa”, sử dụng nhiều nhạc đệm sẵn, các bản thu âm, phối khí sẵn khiến cho nhạc công trở nên nhàn việc. Nguồn thu nhập vốn đã không cao, những người chơi nhạc cụ truyền thống lại khó kiếm được việc làm thêm từ nghề nên cuộc sống của hầu hết nhạc công của nhà hát đều khó khăn, bấp bênh. Rời ánh đèn sân khấu hào nhoáng, chúng tôi lại trở về căn trọ xập xệ mà ít ai thấu”, anh Trần Huy Hoàng - Đội trưởng Đội Nhạc công Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh ngậm ngùi.

Đáng nói, thành công, vinh quang chỉ dành cho ca sĩ, còn những KTV âm thanh, ánh sáng, nhạc công không hề được nhắc đến chứ chưa nói đến việc xét tặng danh hiệu, giải thưởng. Với họ, đêm đêm cứ cần mẫn dưới ánh đèn sân khấu lặng lẽ “hát bè trầm”, hết mình vì đam mê, vì công việc…

(Còn nữa)

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast