Trong những năm qua, người Việt Nam sang Thái Lan núp bóng dưới hình thức đi du lịch nở rộ ở nhiều địa phương. Riêng Hà Tĩnh, có thời điểm số lao động tự do tại Thái Lan lên đến trên 10 nghìn người.
Người Việt phụ giúp bán hàng tại Thái Lan (Ảnh minh họa) |
Do cư trú bất hợp pháp, làm việc không có thỏa thuận về tiếp nhận lao động giữa hai nước nên người lao động phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm tiềm ẩn. Nhất là không được sự bảo hộ về pháp luật, không được hưởng đầy đủ các chế độ về lương, đảm bảo thời gian làm việc và bảo hiểm.
Sau một thời gian nỗ lực đàm phán, trao đổi giữa những bộ, ngành liên quan của hai nước, Chính phủ Thái Lan đã chính thức triển khai đăng ký, cấp phép tạm thời 1 năm cho lao động tự do của Việt Nam. Điều này thực sự mở ra cơ hội cho nhiều lao động Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng được làm việc hợp pháp trên đất nước Chùa Vàng.
Ông Thái Phúc Sơn - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết: Sau khi nhận được thông báo triển khai đăng ký, cấp phép cho lao động tự do Việt Nam tại Thái Lan, Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh đã niêm yết các thông tin lên cổng thông tin điện tử và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi để người lao động biết các thủ tục đăng ký và nhận được những ưu đãi mà Chính phủ Thái Lan dành cho lao động Việt Nam.
Theo thông báo, Thái Lan sẽ cấp phép tạm thời 1 năm cho lao động tự do của Việt Nam cho 4 nghề đang thiếu là giúp việc gia đình, phục vụ nhà hàng, lao động phổ thông trong ngành xây dựng, đánh bắt cá trên biển. Riêng đối với người lao động làm việc trong các ngành đánh cá trên biển và xây dựng, nếu chủ sử dụng có nhu cầu thuê tiếp thì được cấp phép làm việc thêm 2 năm, sau đó có thể được gia hạn thêm 1 năm.
Ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh) cho biết: Sau khi nắm được chủ trương về chương trình hợp tác giữa 2 Chính phủ, ngành LĐ-TB&XH cùng với ngành Ngoại vụ đã có hướng dẫn đối với các địa phương để triển khai. Để lao động Hà Tĩnh có cơ hội làm việc tại các ngành nghề có thu nhập cao và hợp pháp theo quy định của 2 Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo các đơn vị đào tạo, cung ứng nhân lực, doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức đào tạo bài bản cho người lao động trong tỉnh sang làm việc tại Thái Lan.
Nhận được thông tin Thái Lan cấp phép cho lao động Việt Nam vào làm việc, bà Nguyễn Thị Bích (xóm Lộc Thủy, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà) không giấu được niềm vui: "Mừng lắm chú ạ! Rứa là từ nay, hơn 500 con em Lộc Thủy đang làm việc bên Thái không lo bị cảnh sát họ phạt vì tội cư trú trái phép nữa. Công việc và các chế độ cho người lao động cũng sẽ được đảm bảo hơn".
Theo số liệu thống kê từ Sở LĐ-TB&XH, hiện Hà Tĩnh đang có khoảng 9.848 lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan. Nếu thực hiện tốt việc đến đăng ký cấp phép làm việc thì số lao động này sẽ được đảm bảo lợi ích chính đáng về mức lương tối thiểu, thời gian làm việc, chế độ nghỉ phép và bảo hiểm y tế...
Vấn đề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp đó là công tác tuyên truyền về chủ trương đăng ký, cấp phép tạm thời 1 năm cho người Việt Nam đang lao động tự do tại Thái Lan cần được triển khai rộng rãi đến tận người dân, bởi đây là cơ hội giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân một cách chính đáng.
Theo quy trình, người lao động nộp đơn xin phép làm việc theo mẫu tại Văn phòng tuyển dụng Sở Lao động tỉnh/Văn phòng tuyển dụng Bangkok từ khu vực 01 - khu vực 10 kèm theo hợp đồng thuê lao động giữa chủ sử dụng và người lao động, nộp lệ phí 100 bạt. Sau khi nộp đơn, người lao động mang biên lai nộp đơn đi xin cấp thị thực tại Văn phòng Xuất nhập cảnh tỉnh/Trung tâm Dịch vụ lao động nước ngoài tại Bangkok, kiểm tra sức khỏe và đóng bảo hiểm y tế tại bệnh viện do Bộ Y tế Thái Lan quy định. Văn phòng Xuất nhập cảnh sẽ cấp thị thực cho phép ở lại Thái Lan trong thời hạn 1 năm. |