Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu hôm qua cáo buộc lính Hy Lạp đã cố tình đẩy người di cư muốn vào châu Âu trở lại lãnh thổ nước này.
Soyla cho hay 12 nạn nhân nằm trong nhóm 22 người bị đẩy lại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời chia sẻ ảnh đã làm mờ của 8 thi thể, cho thấy ba người chỉ mặc quần đùi và áo phông, một số người có dấu vết bị cước. Nhiệt độ ở Ipsala, nơi tìm thấy thi thể, là 3-11 độ C hôm 2/2.
“Họ hành xử như côn đồ”, ông nói khi đề cập tới lực lượng biên phòng Hy Lạp và cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) “bất lực, nhu nhược và vô nhân đạo”.
Nhân viên y tế khiêng xác người di cư ở Ipsala, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp, hôm 2/2. Ảnh: Anadolu Agency.
Bộ trưởng Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi phủ nhận thông tin rằng các đơn vị biên phòng nước này đã cưỡng ép trục xuất người tị nạn.
“Cái chết của 12 người di cư tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ gần Ipsala là thảm kịch, nhưng sự thật không giống với những thông tin tuyên truyền sai lệch mà người đồng cấp của tôi đưa ra. Những người này chưa bao giờ tới được biên giới. Bất kỳ đồn đoán nào cho rằng họ đã tới biên giới, hay bị đẩy ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ, đều hoàn toàn vô nghĩa”, ông nói.
Mitarachi cho rằng Ankara nên duy trì cam kết ngăn chặn những hành trình nguy hiểm tương tự, nhắc tới tới thỏa thuận ngăn dòng người di cư mà EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết. “Thổ Nhĩ Kỳ nên thực thi trách nhiệm của mình nếu chúng ta muốn ngăn chặn những thảm kịch tương tự xảy ra lần nữa”, ông nói.
Thông tin về quê quán của người tị nạn hay làm cách nào mà họ xuất hiện tại khu vực biên giới không được tiết lộ.
Đây không phải lần đầu Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tranh cãi về số phận những người di cư vượt qua biên giới chung đất liền và biển giữa hai nước. Mâu thuẫn về vấn đề này ngày càng tồi tệ hơn từ đầu năm 2020, khi khủng hoảng biên giới nổ ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khuyến khích hàng nghìn người xin tị nạn vào châu Âu thông qua Hy Lạp.
Ipasla (chấm đỏ), khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Đồ họa: InfoMigrants
Khoảng 3,7 triệu người tị nạn Syria tới Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm. Quốc gia này trở thành con đường trung chuyển chính của những người chạy trốn nghèo đói và chiến tranh ở châu Phi, châu Á và Trung Đông, trong khi Hy Lạp được coi là cửa ngõ vào châu Âu dễ dàng nhất.
Athens đã tăng cường tuần tra biên giới trên biển sau khủng hoảng năm 2020, khiến ngày càng nhiều người tị nạn xâm nhập thông qua ranh giới đất liền phía đông bắc với Thổ Nhĩ kỳ, dù chính quyền Hy Lạp đã dựng bức tường thép dài 40 km dọc biên giới năm ngoái.