120 hộ dân ở Hương Sơn có nguy cơ mất đất sản xuất

(Baohatinh.vn) - Khu Bãi Bè (thôn Kim Thành, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) là nơi sản xuất của 120 hộ dân. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều diện tích đất bị cuốn trôi.

120 hộ dân ở Hương Sơn có nguy cơ mất đất sản xuất

Khu đất Bãi Bè là nơi sản xuất của 120 hộ dân thôn Kim Thành, xã Sơn Tây.

Khu đất Bãi Bè (thôn Kim Thành, xã Sơn Tây) chạy men theo sông Ngàn Phố khoảng gần 1 km (cách QL8A về phía Nam khoảng hơn 1 km), phía bên kia sông là thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây. Khu Bãi Bè có diện tích hơn 25 ha, là nơi sản xuất của 120 hộ dân trong thôn. Phần lớn người dân ở đây còn gặp khó khăn, đặc biệt có 11 hộ thuộc diện hộ nghèo và 10 hộ thuộc diện cận nghèo.

Năm 2010 trở về trước, khu vực Bãi Bè được người dân thôn Kim Thành trồng lạc, đậu, mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ thu hoạch từ 4,5 - 5 triệu đồng/sào. Nhưng năm sau đó do lạc, đậu sản xuất ra khó tiêu thụ nên bà con chuyển sang trồng ngô với thu nhập 6-7 triệu đồng/năm (mỗi năm 2 vụ).

120 hộ dân ở Hương Sơn có nguy cơ mất đất sản xuất

Từ năm 2019 đến nay, hiện tượng sạt lở đất liên tục xảy ra, ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Trong ảnh: 1 thửa ruộng ở thôn Kim Thành nứt toác từng đường, nguy cơ sạt lở.

Dù thu nhập có giảm hơn so với trồng đậu, lạc nhưng đầu ra ổn định. Hơn nữa, vị trí nằm ven sông nên điều kiện canh tác thuận lợi, đất không bị sạt lở nên bà con rất yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, theo người dân ở đây, từ năm 2019 đến nay, sau khi thi công xong cầu Trung Lưu (nối liền 2 thôn Kim Thành và Trung Lưu), hiện tượng sạt lở đất liên tục xảy ra. Nguyên nhân là do dòng chảy bị biến dạng, xoáy sâu ra mạn phía Bắc gây nên hiện tượng "hà bá móc ruột” bờ sông.

120 hộ dân ở Hương Sơn có nguy cơ mất đất sản xuất

Khu vực sản xuất đang bị thu hẹp diện tích từng ngày.

"Gia đình tôi chỉ có 600 m2 đất sản xuất nhưng do bờ sông bị sạt lở nên chỉ còn khoảng 450 m2. Mỗi khi mưa xuống, chúng tôi lại như “ngồi trên lửa” vì lo nguồn thu nhập của mình bị ảnh hưởng. Với những diễn biến như hiện nay, không lâu nữa những người làm nông như chúng tôi chẳng biết làm nghề gì?" - ông Võ Huy Liên (50 tuổi) thở dài.

120 hộ dân ở Hương Sơn có nguy cơ mất đất sản xuất

Nước sông “ngoạm” vào khiến bờ sông thành 1 bức tường dựng đứng khi nước rút.

Bà Nguyễn Thị Loan (67 tuổi) ngậm ngùi cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên ở đây với ngành nghề chính là trồng hoa màu, dù thu nhập không nhiều nhưng đảm bảo ổn định hằng năm. Từ năm 2020, do ảnh hưởng sạt lở đất, diện tích canh tác của gia đình giảm từ 750 m2 còn 350 m2, thu nhập cũng bị giảm hơn 1 nửa.

Theo ông Nguyễn Đình Đông - Trưởng thôn Kim Thành, mỗi năm nước sông lấn vào diện tích sản xuất của người dân khoảng 15 - 20m. Vùng sản xuất này từ chỗ có diện tích hơn 30 ha đất (năm 2018) đến nay chỉ còn khoảng 25 ha. Nếu không có giải pháp xây kè ngăn chặn, không lâu nữa toàn bộ diện tích đất khu vực Bãi Bè sẽ bị mất trắng.

120 hộ dân ở Hương Sơn có nguy cơ mất đất sản xuất

Dòng chảy của sông lấn về phía trái khiến diện tích đất mất dần theo những trận mưa lớn.

Tại nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, bà con Nhân dân đã bày tỏ lo lắng trước hiện tượng diện tích đất sản xuất bị sạt lở, hoa màu bị cuốn trôi. Bà con mong muốn các cấp quan tâm xây dựng bờ kè vững chắc để yên tâm sản xuất.

Ông Cao Văn Đức
Chủ tịch UBND xã Sơn Tây

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.