3 thách thức đe dọa tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng châu Á-TBD

(Baohatinh.vn) - Bloomberg trích dẫn một nghiên cứu của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company ngày 21/6 cảnh báo đến các ngân hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nguy cơ phải đối mặt với “một cơn bão lớn” có thể sẽ gây tổn thất đến tăng trưởng lợi nhuận của ngành công nghiệp đã “bỏ túi” đến 500 tỷ USD trong năm 2015 này.

3 thach thuc de doa tang truong loi nhuan nganh ngan hang chau a tbd

Các ngân hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với “bão lớn”. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Ba mối đe dọa đến từ sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế, các chỉ số tài chính chưa đủ mạnh yếu tố công nghệ có thể cùng một lúc phối hợp để “chặn đứng” tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE - Return on Equity) của ngành ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2018, hãng tư vấn có trụ sở ở New York cho biết trong một nghiên cứu vừa được công bố dựa trên kết quả phân tích 328 ngân hàng trong khu vực.

Tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể sẽ chậm lại và đạt một tỷ lệ thấp hơn 4% mỗi năm trong 5 năm tới (từ năm 2016 - 2021), sụt mạnh so với tỷ lệ khoảng 10% trong giai đoạn từ năm 2011 - 2014, ông Joydeep Sengupta, chuyên gia của McKinsey đồng thời là một trong những tác giả của nghiên cứu trên cho biết.

Sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế

Suy thoái kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng cho vay của ngành ngân hàng đồng thời làm mất ổn định hoạt động thanh toán các khoản nợ, đặt ra các áp lực cho các chủ nhà băng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản - các “ông lớn” có tổng tài sản lên đến gần 400 tỷ USD trong năm 2015, theo số liệu của McKinsey.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng đã phải vật lộn với các yêu cầu về vốn và quản lý chặt chẽ hơn, khiến khả năng “xuất” tín dụng của các nhà băng cũng bị ảnh hưởng.

Các nhà băng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến “một mức tăng trưởng bất thường” trong thập kỷ qua, nhà nghiên cứu Sengupta cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg qua điện thoại. “Ở thời điểm này, chúng tôi sẽ nói rằng chúng ta đã ở giai đoạn cuối của thời kỳ vàng son và có một bộ ba mối đe dọa đang hiện hữu ở đây”.

Các ngân hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chiếm gần một nửa lợi nhuận của ngành ngân hàng toàn cầu mỗi năm kể từ năm 2009. Vào năm 2015, các nhà băng ở khu vực này chiếm đến 46% trong tổng số 1,1 nghìn tỷ USD lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng trên toàn thế giới, theo McKinsey.

Nghiên cứu của McKinsey cho thấy tỷ suất ROE của các ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm xuống còn 14% trong năm 2014 kể từ mức 15% trong năm trước đó. Tỷ suất này có thể sẽ còn giảm xuống chỉ còn “một con số” nếu các ngân hàng không có các hành động, ông Sengupta cho hay.

Trung Quốc, quốc gia gần như luôn dẫn đầu về chỉ tiêu lợi nhuận ngành ngân hàng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương suốt thập kỷ qua, hiện tại đang phải chứng kiến sự thụt lùi trong tăng trưởng lợi nhuận do ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế, theo McKinsey. Đây là một thách thức cho các trung tâm tài chính như Hồng Kông và Singapore, những khu vực đã được hưởng lợi nhiều trong các năm qua nhờ sự phát triển quá nóng của Trung Quốc giúp kích thích các “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp và các ngân hàng tìm đến các thành phố mạnh về tài chính, các khoản nợ cũng như phát hành cổ phiếu có giá trị đến hàng tỷ USD. Hồng Kông đã chứng kiến một sự suy giảm ngoài dự đoán trong tăng trưởng kinh tế quý I năm nay. Trong khi đó tăng trưởng của Singapore chỉ mở rộng ở mức khiêm tốn trong giai đoạn cùng kỳ.

Yếu tố công nghệ và các chỉ số tài chính

McKinsey kêu gọi các ngân hàng nên xây dựng năng lực kỹ thuật số cho mình để chống lại sự cạnh tranh ngày càng tăng đến từ các nhà khởi nghiệp và hơn hết là các “ông lớn” trong ngành công nghiệp kỹ thuật số như tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba hay công ty Internet và giải trí trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Tencent. Đây là các công ty đã cung cấp các dịch vụ tài chính từ các khoản thế chấp đến hệ thống thanh toán. Một chiến lược kỹ thuật số tập trung vào khách hàng sẽ giúp thúc đẩy lòng trung thành của họ cũng như cắt giảm chi phí, theo McKinsey.

“Trong các cuộc khảo sát, khách hàng của các ngân hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thường xuyên cho biết các dịch vụ tài chính kỹ thuật số bị hạn chế cùng việc phục vụ chưa thỏa mãn nhu cầu là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất vọng của họ. Một ngân hàng có nền tảng kỹ thuật số được thiết kế tốt có thể giải quyết được vấn đề này” - theo McKinsey.

Nghiên cứu của McKinsey cũng cho biết các ngân hàng ở châu Á cần phải tăng vốn từ 400 tỷ USD lên 600 tỷ USD cho đến năm 2020 để bù lỗ từ các khoản vay không hiệu quả trong khi vẫn duy trì hệ số an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio - CAR).

Để giảm bớt các tác động từ suy thoái kinh tế, McKinsey khuyến cáo các ngân hàng nên tập trung khai thác vào “những chiếc túi tăng trưởng” trong khu vực như: 1,1 tỷ cá nhân chưa có bất kỳ một mối quan hệ cơ bản nào với các dịch vụ ngân hàng, tầng lớp trung lưu giàu có ở châu Á - Thái Bình Dương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

(Theo Bloomberg)

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.