5 cầu cạn trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt trước ngày thông xe

Các cầu cạn vượt núi, hồ đập trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt gồm Xuân Dương 1, 2; Thần Vũ 1, 2 và Ồ Ồ đang được khẩn trương hoàn thiện, dự kiến thông xe dịp 30/4.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được khởi công tháng 5/2021 với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, kết nối cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Điểm cuối tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc nút giao nối cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi. Đoạn qua Nghệ An dài 44,4 km, Hà Tĩnh dài 4,9 km.

Tính từ bắc vào nam, toàn tuyến có 5 cầu cạn vượt núi và hồ đập chạy qua huyện Diễn Châu và Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, gồm Xuân Dương 1, 2; Thần Vũ 1, 2 và Ồ Ồ. Để làm cầu, một số vị trí nhà thầu phải san cả vạt đồi, đặt trụ cao hàng chục mét dưới lòng hồ đập.

Theo thiết kế, các cầu này rộng 17,5 m với 4 làn xe, có dải phân cách cứng ở giữa. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trong ảnh là cầu Thần Vũ 2 ở xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc thời điểm hiện tại và lúc đổ cột trụ tháng 10/2023. Công trình dài 1.280 m, 32 nhịp dầm Super T, là cầu vượt địa hình dài nhất tuyến.

Cầu Xuân Dương 1 dài 880 m với 22 nhịp dầm Super T uốn lượn quanh hai ngọn núi nhỏ, thuộc xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu.

Kỹ sư Thái Bá Lực, Chỉ huy trưởng Công ty TNHH Hòa Hiệp, cho biết khu vực này chủ yếu là thung lũng nên phương án khả thi là xây cầu cạn vượt núi và đập. Nếu làm đường sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vật liệu để san lấp rất lớn, ngoài ra còn tác động đến cảnh quan xung quanh.

Nối với hầm Thần Vũ - công trình địa chất phức tạp nhất cao tốc Bắc Nam - là cầu Xuân Dương 2, dài 808 m, 19 trụ, 2 mố với 20 nhịp dầm Super T. Chiều cao trụ thấp nhất 8 m, cao nhất hơn 52 m. Đây là cầu vượt địa hình có trụ cao nhất trên toàn tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt.

Theo kỹ sư Lực, Xuân Dương 2 bắc qua đập Xuân Dương nên địa chất khá yếu, trong khi theo thiết kế ban đầu là cọc khoan nhồi ngắn, sợ không đảm bảo chất lượng. Đơn vị sau đó điều chỉnh thiết kế, khoan cọc nhồi xuống sâu hơn, có điểm âm 40 m nên khắc phục được hạn chế.

Ngày 11/4, Công ty Hòa Hiệp đã huy động máy móc, công nhân rải bêtông nhựa mặt cầu Xuân Dương 2, cửa phía bắc hầm Thần Vũ.

Cùng ngày, các nhà thầu đồng loạt triển khai phần việc này trên 4 cầu còn lại. Dự kiến 5 cầu cạn thảm nhựa xong vào ngày 18/4, kịp cho lễ thông xe diễn ra sau đó gần hai tuần.

Kết cấu phần trên các cầu là dầm Super T được lao lắp bằng hai cẩu bánh xích. Để cẩu được các phiến dầm dài và nặng gần 100 tấn, đơn vị thi công đã phải dùng đến cẩu có sức nâng 250 tấn.

So với hồi đầu tháng 3, đến nay điểm nối giữa cầu Xuân Dương 2 đã hợp long.

Phía nam hầm Thần Vũ là cầu Thần Vũ 1, thuộc xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc. Cầu dài 120 m với 3 nhịp dầm Super T nối với cửa hầm. Đến nay các công đoạn thi công mặt cầu cơ bản đã hoàn thiện.

Cầu Thần Vũ 2 nối liền Thần Vũ 1, gồm 31 trụ, trụ cao nhất gần 50 m, thi công từ đầu năm 2022. Thời gian đầu do bất lợi về thời tiết, mưa liên tục và nhà thầu hỗ trợ người dân chặt hạ cây thông để giải phóng mặt bằng nên xuất phát chậm hơn các công trình khác trên tuyến.

Thần Vũ 2 nằm ở vị trí núi rừng núi hiểm trở. Quá trình thi công giá nguyên, nhiên liệu tăng khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch ban đầu, thi công cầu Thần Vũ 2 sẽ thực hiện từ giữa ra hai phía đầu cầu, mỗi hướng thi công một giàn lao.

Để rút ngắn thời gian, kỹ sư đã thay đổi giải pháp thi công, làm bãi đúc dầm ở trên đỉnh đồi cao, sau đó lao dầm dọc về cả hai phía, kết hợp với mũi lao ngang. Nhờ đó, thời điểm cao nhất, một tháng đơn vị có thể lao được 5 nhịp, còn trung bình là 3 nhịp.

Cách Thần Vũ 2 khoảng 200 m là cầu Ồ Ồ, vượt hồ nước và rừng thông ở xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc. Cầu dài 880 m, rộng 17,5 m với 22 nhịp, 154 nhịp dầm Super T. Hiện tổng khối lượng công trình đạt hơn 95%.

Cũng như các cầu cạn trên toàn tuyến, cầu Ồ Ồ được thiết kế hệ thống thoát nước ở bên phải theo hướng bắc nam, mỗi điểm cách nhau 2 m.

Ngoài 5 cầu cạn vượt núi và hồ đập, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt còn có 26 cây cầu khác (18 cầu dọc tuyến và 8 cầu vượt ngang), nhiều công trình đã đưa vào khai thác. Trên ảnh, công nhân đang thi công cầu vượt dọc tuyến đoạn qua xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên hồi đầu tháng 4.

Trước đó ngày 16/3, cầu Hưng Đức dài gần 4,1 km, bắc qua sông Lam, La Giang nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, là cầu vượt sông dài nhất toàn cao tốc Bắc Nam, đã hợp long, dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 5.

5 cây cầu cạn là điểm nhấn của tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, xe sẽ đi qua những ngọn núi, cánh rừng, hồ đập.

Nhà thầu cho hay,nếu phía nam hầm Thần Vũ bố trí được một điểm check-in chụp hình và bán cà phê sẽ giúp địa phương thu hút du lịch.

Trong ảnh là cầu Ồ Ồ vượt hồ Ô Ô lúc chiều muộn, cũng là địa điểm thường xuyên thu hút giới trẻ tới chụp hình kỷ niệm.

Hướng tuyến 5 cầu cạn vượt núi và hồ đập trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Đồ họa: Hiếu Nguyễn

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đặt mục tiêu thông xe 30 km từ đầu tuyến, thuộc nút giao quốc lộ 7 ở xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, đến nút giao quốc lộ 46B, thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) trước ngày 30/4. Đoạn còn lại 19 km có nền đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau.

Ông Trương Đức Liên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án), cho biết các gói thầu toàn dự án đạt 82% khối lượng hợp đồng. Nhà thầu đang dồn tối đa máy móc, huy động gần 2.000 nhân lực với hơn 100 mũi thi công để kịp tiến độ.

"Với 30 km dự kiến thông tuyến dịp 30/4, nay sản lượng đạt trên 90%. Nếu thời tiết thuận lợi, kế hoạch đề ra được đảm bảo", ông Liên nói.

Hiện trạng 5 cầu cạn vượt núi và hồ đập trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Video: Đức Hùng
vnexpress.net

Chủ đề Cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast