Theo rà soát của ngành chuyên môn, hiện nay, 8 xã thuộc 5 huyện đang có DTLCP chưa qua 21 ngày, bao gồm: Cẩm Mỹ, Cẩm Hà, Cẩm Lộc, Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên), Tân Lâm Hương (Thạch Hà), Tân Mỹ Hà (Hương Sơn), Hương Trạch (Hương Khê) và Đức Đồng (Đức Thọ).
Chính quyền địa phương, ngành chuyên môn và người chăn nuôi đã tiến hành tiêu hủy 78 con lợn chết và nhiễm bệnh theo quy định.
Huyện Hương Sơn tiêu hủy số lợn chết và nhiễm DTLCP theo quy định.
Theo phân tích của ngành chuyên môn, DTLCP là dịch bệnh nguy hiểm, chưa có vắc – xin nên rất dễ lây lan trên diện rộng. Thêm vào đó, mầm bệnh từ các ổ dịch cũ khiến cho DTLCP tái diễn liên tục nếu điều kiện chăn nuôi không đảm bảo.
Được biết, tổng đàn lợn hiện nay khoảng 390.000 con, trong khi 42% tổng đàn quy mô nông hộ nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Các địa phương phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực nhiễm bệnh và vùng có nguy cơ cao.
Ông Nguyễn Khắc Khánh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh khuyến cáo: “Chính quyền các địa phương cần tiếp tục tăng cường các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức và triển khai nghiêm túc biện pháp phòng dịch. Theo đó, tiến hành tiêu hủy vật nuôi chết và nhiễm bệnh theo quy định; phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực nhiễm bệnh; lập chốt kiểm soát dịch bệnh 24/24; tuyệt đối không giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn đối với vùng có dịch...".
Để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống DTLCP, về lâu dài, người dân Hà Tĩnh cần tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, cần bố trí chuồng nuôi cách xa khu dân cư và phải có hàng rào ngăn cách riêng biệt với khu vực khác; xây dựng khu vực chăn nuôi đúng tiêu chuẩn và nuôi nhốt với mật độ theo khuyến cáo; bố trí khu vực sát trùng; kết hợp khử trùng chuồng trại định kỳ, vệ sinh chuồng trại hàng ngày; chất thải của vật nuôi phải được thu gom và xử lý hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo môi trường nuôi tối ưu nhất như: cung cấp đủ chất và lượng của thức ăn; đảm bảo thức ăn, nước uống phải sạch, vệ sinh và tươi mới; định kỳ tẩy giun và tiêm vắc - xin phòng bệnh cho vật nuôi; kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo truy xuất nguồn gốc của các loại vật tư, thực phẩm và con giống đầu vào...
Để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống DTLCP, người dân cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, người dân tuyệt đối không được chủ quan, không dấu dịch. Chính quyền các địa phương cần xử lý nghiêm những trường hợp cố tình dấu dịch, vi phạm, để DTLCP lây lan.