Kiểm tra dầu bôi trơn động cơ
Dầu bôi trơn có vai trò rất quan trọng, giúp động cơ xe hoạt động trơn tru, giảm nhiệt năng, làm sạch và làm mát động cơ.
Những thay đổi và sự cố liên quan đến dầu bôi trơn bên trong động cơ xe thường diễn ra hết sức từ từ, thậm chí rất khó phát hiện khi mới phát sinh. Trên nhiều loại xe cao cấp, dầu bôi trơn động cơ được kiểm soát bằng hệ thống điện tử, với đèn cảnh báo trên bảng đồng hồ. Khi lượng dầu bị hao hụt dưới mức an toàn, hoặc áp suất dầu không đảm bảo, đèn cảnh báo sẽ sáng để chủ xe biết và mang xe đi xử lý. Tuy nhiên, phần lớn những dòng xe phổ thông đều không có đèn cảnh báo. Vì vậy, khi các triệu chứng thực sự rõ có thể cảm nhận được, thì sự ràng để việc đã đi quá xa, nhiều chi tiết bên trong động cơ đã bị mài mòn, thậm chí động cơ xe đã bị hỏng.
Kiểm tra nước làm mát
Nước làm mát đóng vai trò là môi chất đưa lượng nhiệt năng tỏa ra từ các chi tiết bên trong động cơ ra ngoài môi trường, giúp cân bằng nhiệt độ bên trong động cơ, ngăn ngừa hiện tượng quá nhiệt làm giãn nở gây bó kẹt động cơ, hư hỏng các chi tiết cơ khí. Vì vậy, việc kiểm tra mực nước làm mát phải thực hiện thường xuyên, đảm bảo mực nước làm mát trong bình nước phụ luôn nằm ở giữa vị trí “Full” và “Low” khi động cơ đang nguội. Nếu mực nước làm mát thấp hơn mức “Low” trong bình nước phụ, thì phải mở nắp bình nước phụ và nắp két nước để châm nước thêm nếu cần thiết.
Kiểm tra dầu phanh
Việc kiểm tra dầu phanh ô tô nên theo dõi thường xuyên nửa tháng một lần. Nếu mức dầu xuống thấp hơn so với quy định, cần phải bổ sung thêm dầu phanh, tránh trường hợp để hệ thống phanh thiếu dầu. Trong trường hợp mức dầu hao thường xuyên, thì đó là hiện tượng bị rò rỉ dầu, có thể ở các đường ống dẫn dầu của hệ thống phanh. Trong lúc kiểm tra dầu phanh, cần phải kiểm tra màu của dầu. Nếu dầu phanh mới, thì có màu trong hoặc mờ. Nếu dầu phanh để lâu chưa thay, thì sẽ có màu sậm bẩn. Nếu dầu phanh đã chuyển sang màu sậm hẳn, thì đã đến lúc phải thay mới hoàn toàn, tránh trường hợp để lâu dẫn tới nhiều nguy hại khác.
Kiểm tra dầu trợ lực lái (nếu có)
Ngoại trừ các dòng xe hơi nhỏ nhất, còn lại toàn bộ xe hơi đều có hệ thống trợ lái thủy lực hỗ trợ người điều khiển xe đánh lái dễ dàng. Hệ thống lái trợ lực bao gồm một số bộ phận: thanh răng và bánh răng được nối với bánh trước, một piston bên trong thanh răng và bánh răng, di chuyển lên nhờ dầu có áp suất từ bơm trợ lực giúp đánh lái và một xy-lanh chứa dầu nằm phía trên bơm. Nếu không có đủ dầu, việc đánh lái sẽ gặp khó khăn hơn và bơm, thanh răng và bánh răng cũng dễ bị hỏng do không có dầu bôi trơn. Vì vậy, việc quan trọng là cần kiểm tra mức dầu trợ lực lái thường xuyên và cung cấp thêm khi cần thiết.
Kiểm tra mức nước điện phân ắc-quy
Việc thường xuyên kiểm tra mức nước điện phân của ắc-quy xe hơi rất quan trọng. Trong quá trình làm việc, nước điện phân sẽ bị bay hơi, vì vậy, phải kịp thời bổ sung nước. Nếu để lâu, ắc-quy sẽ mất khả năng tích điện, làm giảm tuổi thọ của ắc-quy. Khi châm nước vào ắc-quy, chỉ được sử dụng nước cất và lưu ý sao cho mực nước nằm giữa vạch upper và lower được ghi trên thân ắc-quy.
Kiểm tra dầu hộp số
Kiểm tra dầu hộp số tự động là việc làm rất quan trọng trước mỗi chuyến đi xa. Nếu hộp số quá thiếu dầu sẽ sinh ra hiện tượng các lá côn và các bàn lá ép không đủ áp suất, từ đó gây nên hiện tượng trượt số và phá hỏng các chi tiết trong hộp số.
Trong khi đó, tình trạng dư dầu sẽ sinh ra hiện tượng hộp số của xe bị "ỳ" và nóng. Do đó, hãy cẩn thận kiểm tra dầu hộp số tự động trước mỗi chuyến đi xa, đảm bảo an toàn cho động cơ xe.