Anh nông dân "xây" kênh online bán cà muối sạch

(Baohatinh.vn) - Nền tảng Facebook với hơn 1.200 người theo dõi, kênh Tiktok có hơn 3.000 người theo dõi đã giúp thương hiệu "Cà muối dì Lài" ở Hà Tĩnh bắt nhịp xu hướng bán hàng online.

Với mong muốn phát triển sản phẩm mang hương vị quê nhà, đầu năm 2024, anh Phan Hoàng Ước (SN 1987, trú tại thôn Đồng Sơn, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà) quyết định từ bỏ công việc chuyên ngành Mỏ - Địa chất tại Nghệ An để về quê gây dựng sự nghiệp. Trên tổng diện tích đất gần 750 m2, anh Ước xây dựng hệ thống nhà kính trồng cà 600 m2, còn lại là khu vực sân phơi và nhà ở.

Nói về ý tưởng phát triển thương hiệu “Cà muối dì Lài”, anh Ước cho hay: “Là người con của Hà Tĩnh, tôi biết quê hương mình nổi tiếng với món cà muối giòn, ngon. Dù đã có nhiều thương hiệu cà nổi tiếng, được “biến tấu” theo nhiều công thức khác nhau nhưng tôi vẫn muốn phát triển thương hiệu cà sạch theo cách làm riêng của mình. Đặc biệt, tôi muốn đưa nông sản sạch lên các kênh bán hàng online, bắt nhịp với xu hướng kinh doanh thời đại 4.0”.

4.jpg
Anh Phan Hoàng Ước với mong muốn xây dựng thương hiệu cà sạch của riêng mình.

“Cà sạch” theo cách làm của anh Ước, đó là “sạch” từ khi ươm giống, gieo trồng, thu hoạch quả đến các khâu sơ chế, muối cà,... Cây cà được trồng bên trong nhà kính do anh Ước tự tay ươm giống. Giống cà được lựa chọn là loại giống có nguồn gốc từ Đà Nẵng – đây là loại giống cho quả chất lượng đều và siêu giòn.

Trong quá trình chăm sóc, anh Ước thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên cây, nếu phát hiện sẽ bắt trực tiếp bằng tay, 100% không sử dụng các loại thuốc hoá học. Vườn cà được chia thành 2 khu vực gieo trồng gối vụ nhằm đảm bảo duy trì sản lượng. Sau 4 tháng kể từ thời điểm xuống giống, vườn cà của anh Ước cho thu hoạch đều đặn 7-10 ngày/lần, mỗi lần từ 150-200 kg, thời gian thu hoạch cà kéo dài từ 10-11 tháng.

7.jpg
8.jpg
Cà được trồng trong hệ thống nhà kính, đảm bảo tươi sạch.

Cà được chọn để sơ chế, muối cà là loại không quá già, không quá non và không có sâu bệnh. Cà sau khi cắt sẽ được phơi trong bóng râm 1-2 ngày; sau đó cắt cuống, rửa sạch, ngâm nước muối trong khoảng 10 ngày; vớt ra trộn gia vị tỏi, ớt... và muối lại bằng nước mắm nguyên chất.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh Ước muối từ 5-7 mẻ cà, mỗi mẻ sử dụng từ 40-50 kg cà tươi, cho thành phẩm khoảng 100 hộp cà muối. Mức giá bán 65.000 - 90.000 đồng/hộp cà, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu về khoảng 20-30 triệu đồng/tháng.

3.jpg
Quy trình đóng gói được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sản phẩm “Cà muối dì Lài” không chỉ được bán tại các chợ địa phương mà còn được anh Ước phát triển trên các nền tảng thương mại điện tử. Hiện tại, thương hiệu có kênh Facebook "Đặc sản cà muối dì Lài" với gần 1.200 người theo dõi, kênh Tiktok cùng tên có hơn 3.000 người theo dõi. Các video đăng tải có nội dung gần gũi như: quy trình trồng cà, hái cà, chế biến và ủ muối cà... giúp người xem hiểu rõ hơn về đặc trưng riêng của sản phẩm, từ đó, tiếp cận đến đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Để làm được điều đó, bên cạnh việc tìm tòi, học hỏi, anh Ước còn có sự hỗ trợ 2 nhân sự phụ trách công việc phát triển các kênh truyền thông, xử lý đơn hàng. Đây đều là những nhân sự trẻ, có kỹ năng quay dựng video, chụp ảnh, livestream bán hàng...

Anh Ước chia sẻ: “Hiện tại, sản phẩm cà của tôi được bán 75% cho người dân địa phương tại các chợ truyền thống, 25% bán qua nền tảng Facebook, Tiktok. Thời gian tới, tôi rất muốn phát triển sản phẩm trên các nền tảng khác như: Shopee, Website… nhằm đưa sản phẩm cà sạch Hà Tĩnh đến tay người dùng và gia tăng doanh số bán hàng”.

ok.jpg
Kênh Tiktok và Facebook của thương hiệu "Cà muối Dì Lài".

Ngoài ra, vào thời điểm thu hái, ủ muối cà, cơ sở còn tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày. Bà Biện Thị Đông (thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân) chia sẻ: "Công việc hái cà, sơ chế cà không quá vất vả, phù hợp với người dân địa phương. Nhờ có mô hình sản xuất này, chúng tôi có thể kiếm thêm thu nhập trong thời gian nhàn rỗi".

Dù chỉ mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng thương hiệu “Cà muối dì Lài” của anh Phan Hoàng Ước đã cho thấy hướng phát triển hiệu quả từ việc sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp sạch, kinh doanh trên các kênh online. Với tư duy dám nghĩ, dám làm, anh Ước đang xây dựng lộ trình đưa sản phẩm “Cà muối dì Lài” đạt chuẩn OCOP, từ đó, từng bước phát triển các nền tảng số, tiếp cận đông đảo khách hàng và hướng tới xuất khẩu sản phẩm.

1.jpg
7.jpg
Sản phẩm cà muối dì Lài từng bước chinh phục người tiêu dùng.

Mô hình trồng và chế biến cà sạch của anh Phan Hoàng Ước là một trong những mô hình kinh tế mới của xã Thạch Xuân, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ tại địa phương.

Với sự góp sức của nhiều bạn trẻ, sản phẩm đã có mặt trên nhiều kênh online, quảng bá thương hiệu và gia tăng hiệu quả bán hàng. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ chủ cơ sở hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP mang đặc trưng của quê hương Thạch Xuân.

Ông Dương Xuân Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

 “Thủ phủ” trám ở Hà Tĩnh mất mùa

“Thủ phủ” trám ở Hà Tĩnh mất mùa

Nắng nóng gay gắt kéo dài tại thời điểm trám trổ hoa nên tỷ lệ đậu quả không nhiều, năm nay người trồng ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang đối mặt với một mùa thu hoạch kém vui.
Vẻ đẹp yên bình ở làng quê nông thôn mới Vũ Quang

Vẻ đẹp yên bình ở làng quê nông thôn mới Vũ Quang

Những tuyến đường bê tông rộng rãi, hai bên hàng rào xanh mướt xen lẫn những hàng bưởi đặc sản trĩu quả… là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tích cực ở thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh.
Vụ mùa "kém vui" của vùng dưa non Yên Lạc

Vụ mùa "kém vui" của vùng dưa non Yên Lạc

Sản lượng thấp, trong khi giá bán chỉ dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, nhiều hộ dân trồng dưa non tại thôn Yên Lạc (xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) ngán ngẩm vì mất mùa, "rớt" giá.
Vượt rào cản để “giữ sao”, nâng hạng sản phẩm OCOP

Vượt rào cản để “giữ sao”, nâng hạng sản phẩm OCOP

Sau 6 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ở Hà Tĩnh xây dựng nhiều sản phẩm đặc trưng có lợi thế, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng hạng các sản phẩm vẫn còn những khó khăn, thách thức.
Nữ giám đốc trẻ mở đường cho hải sản Hà Tĩnh xuất ngoại

Nữ giám đốc trẻ mở đường cho hải sản Hà Tĩnh xuất ngoại

Không chỉ định vị thương hiệu nước mắm Phú Sáng trên thị trường bằng “tấm thẻ bài” OCOP 3 sao, nữ giám đốc HTX Dịch vụ chế biến hải sản Phú Sáng (Hà Tĩnh) còn liên kết xuất khẩu hải sản, bao tiêu nguồn nguyên liệu vững chắc cho ngư dân vùng cửa biển.
Chi hội trưởng giúp phụ nữ thoát nghèo

Chi hội trưởng giúp phụ nữ thoát nghèo

Luôn đặt đời sống của hội viên lên hàng đầu, chị Nguyễn Thị Hồng – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nhân Phong, xã Gia Hanh (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã giúp nhiều chị em thoát nghèo.
OCOP nâng tầm chất lượng cu đơ Thành Đạt

OCOP nâng tầm chất lượng cu đơ Thành Đạt

Được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm cu đơ Thành Đạt (xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thuận lợi mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho cơ sở.
Nho "quý tộc" bén đất đồi Vũ Quang

Nho "quý tộc" bén đất đồi Vũ Quang

Mô hình trồng nho mẫu đơn của anh Nguyễn Thế Hoàn ở thôn Bình Phong, xã Đức Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn.