Máy hút chân không mới được chị Lê Thị Bình đầu tư để đảm bảo bảo quản sản phẩm đúng chuẩn ATVSTP.
Ấn tượng của chúng tôi khi đến thăm Cơ sở sản xuất nem chua Ý Bình (tại khối 10, thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) là sự sạch sẽ, chuyên nghiệp. Không gian sản xuất được khép kín trong phòng lạnh, từng mẻ sản phẩm sau khi được chuyển từ máy nhào trộn nguyên liệu sang máy cắt định hình và đóng gói nhịp nhàng. Cơ sở sản xuất của chị Lê Thị Bình đã có 17 năm trong nghề, nhưng đến năm nay thì các loại máy móc hỗ trợ mới được đầu tư đồng bộ, bài bản để phát triển quy mô.
Chị Bình chia sẻ: "Trước nay chủ yếu là làm thủ công, tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh là chính. Từ năm 2018, chúng tôi chuyển hướng sản xuất sang chuỗi giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và được chọn là sản phẩm OCOP của huyện Hương Sơn. Cơ hội thị trường rộng mở, nhưng đòi hỏi nguồn vốn cũng tăng cao. Nhờ có nguồn vay 100 triệu đồng từ chương trình mới của Ngân hàng CSXH mà vợ chồng tôi có thêm điều kiện mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.
“Quy trình sản xuất chủ yếu thực hiện bằng máy móc, tạo ra sự đồng nhất cho sản phẩm, đảm bảo ATVSTP và bảo quản tốt hơn. Với máy hút chân không, sản phẩm nem chua của chúng tôi có thể bảo quản trong 45 ngày (so với 15 ngày như trước). Hiện, nem chua Ý Bình đã có mặt ở siêu thị và các thị trường phía Bắc” - chị Bình cho biết thêm.
Cơ sở sản xuất nem chua Ý Bình hiện giải quyết việc làm cho 10 công nhân.
Vốn là bộ đội phục viên về quê hương, anh Phan Ngọc Sơn (thôn Tân Hoa, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn) chọn con đường lập nghiệp bằng trồng cây ăn quả. Ngặt nỗi, dù muốn tạo sự khác biệt, nhưng kinh tế eo hẹp gần như đã bó buộc suy nghĩ của tuổi trẻ. Ban đầu, anh chỉ chăm sóc những gốc cam có sẵn trong vườn của bố mẹ để lại. Thế rồi, nguồn vốn chính sách được khơi thông, anh Sơn là một trong những người đầu tiên làm đơn xin vay vốn theo hạn mức mới.
“Được vay 80 triệu đồng từ nguồn của Ngân hàng CSXH, tôi đã mở rộng trang trại, đầu tư phân bón trồng cam, chanh và chăn nuôi. Định hướng của tôi là xây dựng trang trại tổng hợp theo hướng OCOP nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm địa phương, phát triển kinh tế bền vững”.
Con đường phía trước vẫn còn không ít chông gai, bây giờ anh Sơn vẫn phải lấy ngắn nuôi dài, tạo nguồn vốn xoay vòng để tiếp tục đầu tư sản xuất. Thế nhưng, khi có nguồn vốn chính sách đồng hành, những người như anh không ngại khó để vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, anh Phan Ngọc Sơn mạnh dạn đầu tư công nghệ sản xuất cam theo VietGap để xây dựng sản phẩm OCOP.
Hiện nay, Hương Sơn là một trong những địa bàn có dư nợ lớn nhất cả tỉnh về các chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH. Riêng tại xã Sơn Trường, từ tháng 3 đến nay đã có thêm 15 hộ vay vốn, với dư nợ trung bình 70 - 80 triệu đồng mỗi hộ.
Kể từ sau ngày 1/3, khi Quyết định 12/QĐ-HĐQT ngày 22/2/2019 về nâng hạn mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo có hiệu lực (nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, thời hạn tối đa lên 120 tháng) đã thực sự là “cú hích” lớn cho nguồn tín dụng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH tỉnh đạt trên 4.562 tỷ đồng (tăng gần 200 tỷ đồng kể từ cuối tháng 2/2019 đến nay); trong đó, chương trình cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt gần 1.000 tỷ đồng mỗi chương trình.
Tăng hạn mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vừa là sự hỗ trợ trực tiếp thông qua nguồn vốn, vừa là sự động viên, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền qua các chính sách ưu đãi.