“Tiqui – taca” từ tập luyện
Đội tuyển Việt Nam sẽ chơi bóng ngắn. Đó là câu nói ấn tượng nhất của HLV Hữu Thắng trong ngày nhậm chức thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam hơn 1 năm rưỡi trước đây. Gọi lời hứa ấy là ấn tượng bởi điều đó là cả một sự thay đổi mang tính bước ngoặt, trong triết lý và cách chơi của đội tuyển quốc gia.
Một năm rưỡi đã qua, HLV Hữu Thắng đã và đang nỗ lực để tạo nên một đội tuyển Việt Nam chơi bóng nhỏ, một chạm như chính điều mà ông luôn ấp ủ kể từ khi nhậm chức. Triết lý ấy được thể hiện rất rõ qua những bài tập của U22 Việt Nam, trong những bài tập bóng ma tưởng chừng như đơn giản nhất.
Không tính 4 thủ môn, hai cầu thủ Lâm Ti Phông và Hồ Tuấn Tài bị chấn thương, Tiến Dũng tạm về Viettel đá hạng Nhất cùng Xuân Trường chưa về nước, U22 Việt Nam có tổng cộng 20 người. Con số vừa đủ để thầy Thắng chia lực lượng ra làm hai để phục vụ ý đồ tập luyện của ông.
Trước sức ép của 10 cầu thủ mặc áo bip, 10 cầu thủ còn lại buộc phải thực hiện những pha chuyền bóng 1 chạm với tốc độ nhanh nhất có thể. Nếu không muốn trở thành “ma” cho quân áo bib. Bài tập có cái tên dạn dĩ “bóng ma” ấy thực chất được giới chuyên môn gọi là El Rondo. Nó không đơn giản chỉ là yêu cầu chuyền bóng cho nhau mà thực tế là để giúp các cầu thủ phải học cách di chuyển, tạo khoảng trống, quan sát, liên lạc với đồng đội bằng tay, bằng mắt, bằng giọng nói,… trước khi một đường chuyền được thực hiện
Trang Thecoachdiary liệt kê ra gần 20 tác dụng cho cầu thủ tập El Rondo. Nhưng có thể gói gọn trong câu nói của bậc thầy kiểm soát và chuyền bóng – Xavi Hernandez: “Tôi chuyền, tôi chạy, tôi quan sát và trên tất cả, tôi mở ra một thế trận trên sân”.
Học cách tranh cướp bóng
Nhưng bài tập bóng ma mà HLV Hữu Thắng không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện kỹ năng chuyền bóng, tạo khoảng trống và phối hợp với đồng đội. Như cách nói của Johan Cruyff nói về El Rondo, một phần quan trọng trong đó là bạn còn phải làm thế nào để đoạt lại được bóng từ trong chân đội bạn.
Tốc độ giữa hai nhóm cầu thủ của U22 Việt Nam khi đá bóng ma ấy diễn ra trong guồng quay liên tục đến ngộp thở. Khi phải làm “ma”, một trong hai nhóm sẽ buộc phải cướp thật nhanh để giành lại thế người chủ động.
Đó là cách để hình thành tổ chức vây ráp (pressing). Thậm chí ở một mức độ nâng cao hơn. Tức là trong giai đoạn chuyển tiếp từ tấn công sang phòng ngự, các cầu thủ U22 Việt Nam phải biết cách để đoạt lại được bóng hoặc gây sức ép ngay khi đối phương bắt đầu ý định tổ chức tấn công. Đấy cũng là điều mà HLV Hữu Thắng mong mỏi. Một mặt, ông muốn các cầu thủ phải phối hợp với nhau thật tốt khi có bóng. Mặt khác, nhà cầm quân xứ Nghệ cũng đòi hỏi họ phải tạo ra một sức ép đủ lớn để sẵn sàng tranh chấp, cướp bóng trong thời gian nhanh nhất có thể.
Cầu thủ U22 Việt Nam được rèn luyện nhiều kỹ năng từ bài tập bóng ma tưởng chừng như đơn giản - Ảnh: Đức Cường
Một cầu thủ của U22 Việt Nam chia sẻ, nhìn bài tập trông có vẻ đơn giản nhưng không hề dễ. Bởi họ phải đảm bảo thể lực tốt, đôi chân khéo léo và đầu óc linh hoạt. Cũng nhờ những bài tập như vậy mà khâu tổ chức tấn công, phòng ngự hay thậm chí là phản công của U22 Việt Nam dần được định hình và rèn giũa thêm theo thời gian.
Tất nhiên không phải ai cũng có thể duy trì ở một cường độ liên tục như thế. Ngay cả với những cầu thủ được đánh giá là khéo léo như Công Phượng và Tuấn Anh cũng có lúc chuyền hỏng.