Chiều 4/7, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN TX Kỳ Anh tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng, khảo sát về nhu cầu phát triển kinh tế hộ hướng đến liên kết trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên phụ nữ tại thị xã Kỳ Anh. Đại diện Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, một số sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo TX Kỳ Anh tham dự hội thảo. |
Đại biểu dự hội thảo.
Thời gian qua, Hội LHPN thị xã Kỳ Anh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế từng địa phương phù hợp nhu cầu thực tiễn.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quyên gợi mở các nội dung hội thảo.
Theo đó, hoạt động hỗ trợ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế nói chung và kinh tế hộ nói riêng được các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thị xã Kỳ Anh quan tâm thực hiện có hiệu quả. Toàn thị xã có 262 doanh nghiệp nữ, chiếm 23% doanh nghiệp trên toàn thị xã, cùng với các chị là chủ HTX, THT, các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn đã tập trung phát triển sản xuất, góp phần thu nhập ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Chị Lê Thị Dung - Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Ninh: Cần quan tâm quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP giúp các chủ cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ...
Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ hội viên phụ nữ các cấp có vốn sản xuất kinh doanh, Hội LHPH TX Kỳ Anh không ngừng chủ động khai thác các nguồn lực từ nguồn vay ủy thác của ngân hàng chính sách xã hội, quỹ phát triển phụ nữ, quỹ vì phụ nữ nghèo. Hội quản lý 145 tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 5173 lượt hộ gia đình hội viên, phụ nữ vay trên 114 tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các chi hội cũng thành lập 137 tổ phụ nữ tiết kiệm, hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với 1.562 chị tham gia trên 6,8 tỷ đồng giúp hơn 1.319 chị vay. Nhờ vậy, đời sống của chị em ngày càng được nâng lên, tạo điều kiện để xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; đồng thời góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 xuống còn 3,46% (giảm 1,18% so với năm 2020).
Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Lợi Nguyễn Thị Quyên: Cần có các chính sách phù hợp đối với hội viên đã hết tuổi lao động tại các vùng tái định cư nhưng vẫn còn đảm bảo lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình.
Tại hội thảo, đại biểu đã tập trung phân tích những khó khăn, nguyên nhân hạn chế trong phát triển kinh tế hộ, đồng thời chia sẻ, định hướng các giải pháp để phát triển kinh tế hộ, hướng đến liên kết trong sản xuất, kinh doanh.
Các ý kiến cho rằng, thời gian tới, Hội LHPN TX Kỳ Anh cần phát hiện, hướng dẫn hội viên có tiềm năng khởi sự, khởi nghiệp; tổ chức tập huấn, hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện để chia sẻ giúp phụ nữ tiếp cận các chủ trương, chính sách, vận động phụ nữ tham gia có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển kinh tế của thị xã.
Cần quan tâm quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP giúp các chủ cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ; rà soát nhu cầu lao động, học nghề của hội viên, phụ nữ để tiếp tục tham mưu mở các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ đầu ra sau đào tạo với các ngành nghề phù hợp địa bàn theo hướng thương mại - dịch vụ, phát triển kinh tế đô thị....
Tổ hội nghề thêu Đông Yên, xã Kỳ Lợi tạo việc làm thường xuyên cho gần 70 phụ nữ vùng tái định cư. Ảnh tư liệu
Đối với các mô hình kinh tế hộ, cần đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, coi trọng mở rộng quy mô thành viên, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, xây dựng các mô hình kinh tế tạo sản phẩm đặc thù của địa phương.
Tiếp cận các cơ chế chính sách và nguồn lực đầu tư để phát triển mô hình kinh tế có định hướng tập trung hàng hoá. Chủ động nghiên cứu, tìm hiểu mô hình kinh tế mà gia đình có nhu cầu phát triển, tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, cập nhật kiến thức về phát triển kinh tế hộ...
Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Dực chia sẻ và định hướng các nội dung về phát triển kinh tế hộ hướng đến liên kết trong sản xuất, kinh doanh tại địa bàn TX Kỳ Anh.
Đại biểu cũng đề nghị thời gian tới, Hội LHPN tỉnh cần hỗ trợ trong việc định hướng xây dựng loại hình phát triển kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ, phát triển kinh tế đô thị, nhất là các xã thuộc vùng GPMB về chuyển đổi nghề.
Đối với chính quyền địa phương, cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án 939 của Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” nhằm thực hiện các mục tiêu về tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; kết nối, tạo nguồn vốn hỗ trợ các mô hình, ý tưởng khởi nghiệp; có chính sách hỗ trợ cho các mô hình thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ nhằm đáp ứng với nhu cầu và xu thế phát triển kinh tế, xã hội của địa phương...