Gừng quê...
Ngay từ đầu đường, hình ảnh làn khói bếp tỏa ra, tiếng dầu rán xèo xèo và cái thơm ngọt “hương vị trời đông” ấy không lẫn vào đâu được, khiến chúng tôi không khó để tìm ra địa chỉ nhà của bà Nguyễn Thị Tập (SN 1950, tổ dân phố 3, phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - chủ thương hiệu bánh rán bà Tập.
Đậu xanh hấp chín...
Tay thoăn thoắt vắt mẻ bánh, bà Tập hồi tưởng về những ký ức thủa còn bé theo mẹ học làm bánh rán: “Thời đó, tôi thường phụ mẹ bán bánh, bà cũng là người truyền lại nghề này cho tôi, tính ra tôi gắn bó với nghề này ngót nghét 30 năm rồi. Từ lúc bắt đầu làm bánh bán đến nay, tôi chỉ bán ở nhà, khách hàng quen tiếng tới lấy tận nơi.
Thời trước, bánh chỉ cung cấp trên địa bàn Kỳ Anh, nhưng từ nhiều năm nay, người ta đặt đơn hàng đi thành phố Hà Tĩnh, TP. Vinh, Sài Gòn, Hà Nội nên phải thuê thêm 4-5 nhân công phụ giúp để đủ sản xuất 1 ngày hơn 2.000 chiếc bánh…”.
Bột nếp được ép kĩ...
Để tạo ra thứ hương vị đặc trưng suốt hơn 3 thập niên qua, đó là cả tâm huyết từ khâu chọn nguyên liệu đến lúc cho ra lò món bánh nóng hổi, thơm ngon. Bà Tập bật mí: Bánh rán muốn ngon, khâu đầu tiên phải chọn loại nếp đúng tiêu chuẩn, không quá dẻo, gạo nếp loại ngon, đem đi xay thành bột nước (bột sau khi xay xong thì cho vào chiếc túi vải thật dày để ép nước ra lấy bột). Chỉ có loại bột làm theo phương thức ấy khi mang rán bánh mới thật giòn mà để lâu không trở nên cứng và dai như những loại bột khác.
Bà Tập luôn tự hào về nghề truyền thống của gia đình
Nhân bánh ngọt thường là nhân đậu xanh được hấp chín, tán nhuyễn có cho thêm đường. Khâu quan trọng nữa, bánh rán ngon hay không còn phụ thuộc ở khâu rán, nếu rán quá tay hay non tay đều hỏng. Rán bánh không dùng hoàn toàn dầu mà phải rán thêm chút mỡ lợn mới ngon. Mỡ phải đổ ngập nồi, đợi thật sôi mới thả bánh vào. Bánh khi mới cho vào nặng nên chìm ngay xuống đáy, khi nào chín sẽ nổi lên trên. Đây cũng là cách nhận biết để vớt bánh đúng thời điểm chín vàng.
Những chiếc bánh rán khi vừa chiên đủ độ được xóc cùng đường và gừng giã nhỏ
Bánh rán bà Tập ngon nhất là thưởng thức ở thời điểm vừa làm xong, bánh càng nóng lại càng đậm vị, bởi độ giòn hòa quyện với vị gừng quê thơm cay nức mũi, khiến bạn phải xuýt xoa thòm thèm.
Là khách hàng lâu năm, bà Nguyễn Thị Hân (60 tuổi, phường An Phú, quận 2, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi là người gốc Kỳ Anh nhưng đã định cư ở Sài Gòn hơn 10 năm rồi, hôm nay có dịp về quê lại ghé mua bánh vào làm quà cho người thân. Ăn cái vị bánh này đâm ra “nghiện”, giờ nếu không về quê thì lại gọi chuyển bánh theo xe vào Sài Gòn…”.
Trong tiết trời se lạnh, cắn miếng bánh nóng hôi hổi, nhâm nhi thêm chén nước chè xanh, ngon không không thể diễn tả
Trong câu chuyện về những chiếc bánh rán kinh qua 3 thập niên, chúng tôi luôn thấy ở bà niềm tự hào về nghề nhưng cũng xen lẫn muôn vàn trăn trở, lo âu: “Sợ rằng mai đây không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm bánh, rằng giờ cái nghề này trông thế mà rất cực, con cái không mấy mặn mà nối nghiệp và lo những người yêu cái vị bánh của bà không còn được thưởng thức những chiếc bánh đúng hương vị"…