Kháng sinh cho người: Dễ mua, hay dùng…
Tùy tiện dùng thuốc dường như đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Hễ bị đau ốm là ra hiệu thuốc tự kê đơn cho mình hoặc kể triệu chứng cho người bán rồi lấy thuốc. Tôi đã chứng kiến một người phụ nữ trạc 40 tuổi vào một quầy thuốc ở đường Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh) nói với người bán thuốc là đã dùng nhiều loại thuốc nhưng không lành bệnh. Sau đó, chị kể về những triệu chứng của mình. Thật bất ngờ, người bán thuốc không hề có lời khuyên cho người phụ nữ này đến gặp bác sỹ mà lặng lẽ quay vào tủ thuốc “kê đơn” cho chị.
Người dân có thể mua kháng sinh ở bất kỳ quầy thuốc nào mà không cần đơn của bác sỹ.
Đó cũng là thực trạng khá phổ biến tại Hà Tĩnh. Chị Nguyễn Thị Thu (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Đi gặp bác sỹ rất mất thời gian và tốn kém hơn nên cứ ra quầy thuốc cho nhanh. Lâu nay, cả nhà tôi đều như thế, chỉ khi thấy đau bất thường mới đến bệnh viện”…
Kháng sinh là nhóm thuốc được rất nhiều người dùng. Theo quy định của Bộ Y tế, thuốc phải được bán theo đơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không cần đơn của bác sỹ, chúng ta có thể dễ dàng mua kháng sinh ở bất kỳ quầy thuốc nào như mua rau ngoài chợ. Thắc mắc về điều này, một chủ quầy thuốc ở đường Hải Thượng Lãn Ông giải thích: “Ngành y tế có nhắc nhở và chúng tôi cũng biết điều này. Nhưng thú thực, có cầu thì có cung, cả Hà Tĩnh đều như thế chứ không riêng gì chúng tôi. Nếu chúng tôi không bán thì họ lại sang quầy khác. Chúng tôi chỉ thực hiện nếu việc này được làm đồng bộ”.
Không chỉ người dân lạm dụng thuốc kháng sinh mà ngay tại các cơ sở y tế, việc sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân cũng đang cần được đánh giá lại. Nhiều bậc phụ huynh nuôi con nhỏ mà tôi gặp tại quầy thuốc cho biết: “Vào viện đợt nào cũng thấy bác sỹ dùng kháng sinh. Thú thực, tôi cũng thấy lo ngại nhưng biết làm sao được”…
Kháng sinh trên gia súc, gia cầm: Khó kiểm soát
Gần đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và hải sản tỉnh đã phát hiện 4 mẫu thịt lợn có dư lượng kháng sinh cao gấp rất nhiều lần mức cho phép tại huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Sau khi có kết quả xét nghiệm, ngành chức năng trở lại truy xuất nguồn gốc đã gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và hải sản cho biết: “Kháng sinh không thuộc chất cấm nhưng nếu tồn dư quá nhiều trong thực phẩm sẽ trở thành nguyên nhân kháng kháng sinh trên người, gián tiếp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người. Bởi vậy, chúng tôi đã tập trung kiểm soát vấn đề này nhưng hiện còn rất nhiều khó khăn. Thực tế, để kiểm nghiệm được mẫu thịt phải mất nhiều ngày, khi có kết quả thông báo thì lô hàng lấy mẫu người ta đã tiêu thụ hết, rất khó xử phạt, cũng vì vậy chưa có tính răn đe”.
Một khó khăn rất lớn trong kiểm soát tồn dư chất kháng sinh trên gia súc hiện nay đó là do thực trạng chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu còn nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Khi gia súc, gia cầm bị bệnh, người nuôi lại tìm đến các cửa hàng thú y và thường được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Tình trạng này rất khó kiểm soát.
Cần kiểm tra việc chấp hành các quy định về bán thuốc kê đơn và có biện pháp quyết liệt để quản lý hiệu quả
Kháng kháng sinh nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ
Thực trạng lạm dụng kháng sinh trên người và gia súc hiện đang đe dọa đến sức khỏe con người. Kháng kháng sinh khiến bệnh nhân phải chi trả nhiều hơn, thời gian hồi phục kéo dài, khả năng khỏe lại hoàn toàn thấp hơn và nguy cơ tử vong tăng cao. Theo ước tính của WHO, đến năm 2050, tình trạng kháng kháng sinh sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Khoảng 10 triệu người sẽ chết vì kháng kháng sinh mỗi năm, nghĩa là cứ 3 giây lại có 1 trường hợp tử vong, nhiều hơn hẳn so với ung thư.
Trước những nguy cơ này, gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về kê đơn thuốc và sử dụng kháng sinh trong các cơ sở khám chữa bệnh; tổ chức thanh tra, kiểm tra các nhà thuốc về việc chấp hành các quy định về bán thuốc kê đơn và có biện pháp quyết liệt để quản lý hiệu quả việc thực hiện các quy định này, trước tiên, tập trung vào nhóm thuốc kháng sinh; xử lý nghiêm các vi phạm.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Công thương, TN&MT tiến hành kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013-2020; giao Bộ NN&PTNT tăng cường chỉ đạo quản lý việc sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; có lộ trình sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế quản lý nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh sử dụng trong sản xuất và sử dụng thuốc thú y.