"Bất chấp biến động toàn cầu, FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tăng"

Bất chấp những biến động toàn cầu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn có xu hướng tăng trong 2017...

bat chap bien dong toan cau fdi vao viet nam van se tang

Ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bất chấp những biến động toàn cầu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn có xu hướng tăng trong năm 2017 và những năm tiếp theo, theo Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Nội.

Theo quan sát của ông, hiện Việt Nam có những điểm mạnh gì trong thu hút FDI?

Theo tôi, Việt Nam có một số điểm mạnh. Thứ nhất, tình hình an ninh, chính trị ổn định là điều kiện quan trọng để quyết định đặt nền móng hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam có một vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía tây bán đảo Đông Dương.

Thứ ba, với số dân 92 triệu người, Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh.

Thêm vào đó, với 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), và việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), là cơ hội tốt để kết nối Việt Nam với thị trường hơn 600 triệu dân của khu vực và thị trường thế giới. Thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện gắn với hội nhập, không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài mà còn giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.

Vậy đâu là lĩnh vực mà thu hút được FDI nhiều nhất thưa ông?

Lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài xem là thế mạnh của Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính đến nay, lĩnh vực này thu hút nhiều nhất nhà đầu tư nước ngoài với 11.833 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 175 tỷ USD (chiếm 51,6% tổng số dự án và 58,9% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam).

Cơ cấu đầu tư như vậy được đánh giá theo hướng tích cực, và có tác động mạnh đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước.

Theo ông, câu chuyện đổ vỡ TPP tác động thế nào tới dòng vốn FDI vào Việt Nam sắp tới?

Cần phải nhìn nhận rằng, tiến trình hội nhập và những cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục diễn ra dù TPP có được tất cả các nước tham gia phê chuẩn và thực hiện hay không. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Việt Nam còn nhiều hiệp ước kinh tế khác, đảm bảo quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Không tham gia TPP hay có tham gia TPP, thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế”.

Bên cạnh TPP, Việt Nam có rất nhiều hiệp định quan trọng khác đã và đang được ký kết như FTA với các đối tác Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN.

bat chap bien dong toan cau fdi vao viet nam van se tang

Thêm vào đó, việc thu hút các dự án FDI có chất lượng lại phụ thuộc chủ yếu vào thể chế, năng lực cạnh tranh của bản thân nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thách thức cũng không nhỏ bởi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế.

Do đó, nếu thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhanh thì với các lợi thế, điểm mạnh, khả năng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam năm 2017 và các năm sau đó vẫn theo xu hướng tăng đều.

Riêng đối với Hoa Kỳ, nếu không có TPP thì quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng còn những nền tảng khác, như Hiệp định thương mại song phương (BTA) và những cam kết thông qua WTO. Việc thu hút FDI của các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng không vì thế mà bị ảnh hưởng nhiều.

Theo ông, bài học kinh nghiệm nào có thể rút ra từ việc thu hút FDI thiếu sàng lọc và đánh giá kỹ khiến gây thiệt hại về môi trường?

Tôi cho rằng, thời gian qua chúng ta coi trọng thu hút đầu tư tuy nhiên việc quan tâm đến bảo vệ môi trường vẫn chưa được đúng mức với tầm quan trọng của nó. Từ sự cố môi trường của dự án Vedan trước đây và Formosa gần đây, các cơ quan cần phải rút kinh nghiệm, coi đây là một bài học để hoàn thiện các quy định về quản lý môi trường, nhất là về kiểm tra, giám sát thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật của cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương để bảo đảm việc thu hút FDI vào Việt Nam có hiệu quả cao và đảm bảo việc bảo vệ tốt môi trường

Theo tôi, quan tâm đến vấn đề môi trường ngay từ giai đoạn đầu tư dự án cho đến khâu vận hành là yêu cầu tiên quyết đối với một dự án đầu tư hiệu quả, bền vững và lâu dài. Đây chính là vấn đề cốt lõi của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Qua một số sự cố vừa qua, Việt Nam đã rút ra bài học rất sâu sắc, cần lưu tâm.

Thứ nhất, cần rà soát lại kẽ hở trong pháp luật về đầu tư, môi trường, nhất là thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, bất cập về quy chuẩn kỹ thuật môi trường, phải làm rõ phạm vi chức năng, thẩm quyền các bộ, ngành, địa phương trong việc thẩm định đánh giá công nghệ môi trường.

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án sau cấp phép.

Thứ ba, phải có sàng lọc kỹ trong quy trình thẩm định dự án và cấp phép đầu tư.

Thứ tư, nâng cao năng lực của các cơ quan trong công tác quản lý, giám sát về môi trường.

Thứ năm, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Theo VnEconomy

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.