Bệnh nhân 11 năm nằm viện, bảo hiểm chi trả hơn 38 tỷ đồng

Chiều 13/4, anh Phan Hữu Nghiêm, 37 tuổi, rời Bệnh viện Chợ Rẫy sau 11 năm điều trị nhiễm trùng do bệnh đông máu Hemophilia A.

Bệnh nhân này đã trải qua 26 lần phẫu thuật, trong suốt thời gian điều trị. Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đây là bệnh nhân có thời gian nằm viện dài nhất, nhiều lần phẫu thuật nhất, số tiền viện phí lớn nhất của bệnh viện với khoảng 40,8 tỷ. Bảo hiểm y tế chi trả phí điều trị cho anh Nghiêm 38,3 tỷ đồng.

Bác sĩ Đỗ Thu Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cũng cho biết đây là một trong những trường hợp bảo hiểm y tế chi trả nhiều nhất từ trước đến nay.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội, cho biết ngoài số tiền do bảo hiểm chi trả, bệnh viện vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ bệnh nhân chi phí còn lại.

Gần 11 năm qua, bác sĩ các chuyên khoa nhiều lần hội chẩn, tìm tòi các phương pháp, liên hệ tìm thuốc hiếm, thuốc khó, vận động chi phí chữa trị, giúp hồi sinh bệnh nhân.

Bệnh nhân 11 năm nằm viện, bảo hiểm chi trả hơn 38 tỷ đồng

Bệnh nhân Nghiêm trước khi xuất viện, chiều 13/4. Ảnh: Lê Phương.

Anh Nghiêm mắc căn bệnh di truyền Hemophilia A thể nặng. Đây là bệnh máu khó đông, thiếu yếu tố đông máu VIII khiến anh rất khó cầm máu nếu có vết thương. Mỗi lần té ngã, vận động mạnh, cơ thể thường hay xuất hiện các vết bầm.

19 tuổi, trong một lần tắm sông, Nghiêm ngã đập bụng vào mạn xuồng. Các cơn đau âm ỉ không dứt nhiều năm nhưng kinh tế khó khăn nên Nghiêm cố nén chịu. Năm 2010, bụng phình to, các cơn đau quá sức chịu đựng, chàng trai 26 tuổi quyết định đến Bệnh viện Chợ Rẫy, bắt đầu hành trình “bệnh viện trở thành nhà”.

Tiến sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Huyết học, cho biết, khi ấy khối máu tụ còn nhỏ, cách điều trị còn hạn chế, chưa có yếu tố đông máu VIII, bảo hiểm chưa chi trả nhiều cho điều trị. Các bác sĩ hội chẩn lần đầu, không dám phẫu thuật vì không thể cầm máu.

Nghiêm được xạ trị để khối u nhỏ lại. Anh cứ về quê một thời gian lại đau đớn, phải lên nhập viện điều trị giảm đau, rồi lại về. Khối máu tụ trong hông trái phát triển ngày càng lớn. “Khi cơ thể không có yếu tố đông máu, chỉ cần vận động thì các cơ tự tách ra, máu tự động chảy thành khối máu tụ lớn”, bác sĩ Tùng phân tích.

Tháng 5/2014, Nghiêm nhập viện vì sốt cao, bề mặt khối u như những tổ ong, vết thương nhiễm trùng hoại tử hông, đùi, bụng phải, máu rỉ liên tục. Khối u choáng chỗ vùng chậu, đè vào niệu quản, đè vào bụng, làm tràn dịch màng phổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, khi ấy là giám đốc bệnh viện, chủ trì hội chẩn, đặt ra vấn đề phẫu thuật cho bệnh nhân. Bệnh nhân không còn phương án điều trị nội khoa. Nếu không mổ thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì khối u hoại tử khổng lồ khoảng 3 kg. Nếu phẫu thuật, tiên lượng cũng rất xấu vì tổng trạng bệnh nhân kém, nhiễm trùng đang diễn tiến nặng. Khối máu tụ đã 10 năm, các thành phần máu phóng thích ra những chất làm hủy xương cột sống, xương chậu, xương đùi.

Các bác sĩ quyết định huy động yếu tố đông máu VIII cùng nhiều thuốc men, các sản phẩm từ ngân hàng máu, để chuẩn bị cho ca “đại phẫu” đầu tiên. Sau ba giờ mổ, ê kíp từ nhiều chuyên khoa không thể lấy hoàn toàn khối hoại tử mà chỉ lấy được những mô nhũn nát, dịch, khoảng 2,5 kg. Hốc to sau phẫu thuật đặt ra nhiều thách thức, không thể liền vết thương nên bệnh nhân phải nằm viện theo dõi.

Tham gia điều trị bệnh nhân khi còn là bác sĩ Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, giờ tiến sĩ Ngô Đức Hiệp đã là trưởng khoa. “Ngoài việc chuẩn bị cho 26 cuộc mổ, điều trị hơn 10 lần nhiễm khuẩn huyết đe đọa tính mạng, chúng tôi phải động viên tâm lý vì bệnh nhân nhiều lần muốn buông xuôi, bỏ cuộc”, bác sĩ Hiệp nói.

Theo bác sĩ Hiệp, khối máu tụ ăn sâu vào trong, gây viêm toàn bộ vùng hông, bụng, bên trong rất nhiều máu, dịch tiết. Vết thương cực kỳ khó lành. Bệnh nhân được chuyển từ Khoa Huyết học về Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình từ tháng 8/2018 để điều trị vết thương.

“Một quyết định mang tính lịch sử của tôi là quyết định hút dịch bằng máy áp lực âm VAC, ngày 1/8/2018”, bác sĩ Hiệp nhớ lại. Phương pháp này chống chỉ định trên bệnh nhân có chảy máu, đặc biệt là bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu, như bệnh nhân Nghiêm. Bác sĩ điều chỉnh máy xuống áp lực thấp, không nằm trong mức chỉ định, vừa đảm bảo hút được dịch mà không gây chảy máu. Ngày đầu chạy máy, bác sĩ Hiệp phải đứng canh suốt 24 giờ để theo dõi, điều chỉnh phù hợp.

Bà Trần Thị Mai, mẹ Nghiêm cho biết hơn 7 năm nay Nghiêm chỉ được bác sĩ cho tranh thủ về ngày Tết rồi vào viện lại, để vết thương khỏi chảy máu. Lần xuất viện này, hai mẹ con mừng “ăn cơm không nổi”. Do đã loại bỏ các phần xương viêm, hoại tử nên giờ Nghiêm không thể đi lại, chỉ nằm hoặc ngồi xe lăn, cần tiếp tục duy trì điều trị bệnh Hemophilia A.

“Chỉ sợ sau này tôi già, chết đi không ai lo cho con”, bà Mai nói.

Theo Lê Phương/VNE

Đọc thêm

Thuốc Tamiflu khan hiếm, loạn giá

Thuốc Tamiflu khan hiếm, loạn giá

Cúm hoành hành xuyên Tết, nhiều ca bệnh diễn biến nặng đẩy Tamiflu trở thành "hàng nóng", giá tăng vọt, bác sĩ cảnh báo nguy hiểm từ việc tự ý sử dụng thuốc này.
Giáo sư Trần Hậu Khang – “kết nối để lan tỏa yêu thương”

Giáo sư Trần Hậu Khang – “kết nối để lan tỏa yêu thương”

Là chuyên gia hàng đầu của ngành da liễu Việt Nam và châu Á, GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Trần Hậu Khang luôn hướng về quê hương bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực với tâm niệm “kết nối để lan tỏa yêu thương”. Nhân dịp đón xuân mới Ất Tỵ, GS.TS. Trần Hậu Khang đã trải lòng cùng Báo Hà Tĩnh trong hành trình hướng về cội nguồn mà ông đã và đang thực hiện.
Ngày Tết ở Khoa Hồi sức tích cực

Ngày Tết ở Khoa Hồi sức tích cực

Khi mọi người đang vui vầy bên gia đình để đón Tết thì các bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang miệt mài bên các giường bệnh để chăm sóc các bệnh nhân nặng.
Làm chủ kỹ thuật chuyên sâu trong phục hồi chức năng

Làm chủ kỹ thuật chuyên sâu trong phục hồi chức năng

Nắm bắt tốt xu thế phát triển mới cộng với sự quyết liệt và linh hoạt trong điều hành, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh đã khẳng định chiều sâu về chuyên môn, là điểm sáng về lĩnh vực phục hồi chức năng.
Blouse trắng nơi đảo xa...!

Blouse trắng nơi đảo xa...!

Dù cách trở muôn trùng về mặt địa lý song quân và dân trên huyện đảo Trường Sa vẫn được bảo vệ và chăm lo chu đáo về sức khỏe để yên tâm canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khẳng định vị thế cơ sở y tế đầu ngành ở Hà Tĩnh

Khẳng định vị thế cơ sở y tế đầu ngành ở Hà Tĩnh

Việc duy trì, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu và đưa vào hoạt động trung tâm xạ trị đã thể hiện sự nỗ lực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong việc khẳng định vị thế cơ sở y tế đầu ngành của tỉnh.