Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thiếu hụt nghiêm trọng vật tư, sinh phẩm y tế

(Baohatinh.vn) - Thời gian gia hạn thỏa thuận khung đã kết thúc hơn 1 tháng nhưng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vẫn không thể tự mua sắm các loại hóa chất, vật tư thuộc danh mục đấu thầu tập trung khiến tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm y tế diễn ra ngày một nghiêm trọng.

Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thuốc, vật tư y tế, Hà Tĩnh đã triển khai việc đấu thầu tập trung vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm cung cấp cho các cơ sở y tế trong các năm 2023 - 2024. Tuy nhiên, kết quả đấu thầu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm chỉ có 6/17 phần trúng thầu, hiện còn 11/17 phần không có đơn vị cung ứng.

Khoa Huyết học đang đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng hóa chất xét nghiệm.

Để tháo gỡ khó khăn này, UBND tỉnh cho phép các cơ sở y tế, đơn vị cung ứng được gia hạn thời gian thực hiện thỏa thuận khung các gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế đã thực hiện từ năm 2020. Tuy nhiên, việc gia hạn thỏa thuận khung đã kết thúc ngày 28/4/2023. Theo quy định, từ sau thời điểm đó, các cơ sở không được phép tự mua sắm các mặt hàng thuộc danh mục đấu thầu tập trung.

Thực tế đó đã khiến tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm y tế ngày một trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh khi đây là nơi có nhu cầu sử dụng hóa chất, vật tư rất lớn, hằng ngày phải điều trị nội trú cho trên 1.000 bệnh nhân và điều trị ngoại trú cho từ 800 - 1.000 bệnh nhân.

Trong khoảng gần 3 tháng trở lại đây, Khoa Huyết học phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các hóa chất để xét nghiệm sàng lọc các đơn vị máu (hiến nhân đạo) theo Thông tư 26/2013/TT-BYT ngày 16/9/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn hoạt động truyền máu.

Thạc sỹ Hoàng Quốc Anh - Phó Trưởng khoa Huyết học thông tin: “Hiện nay, hóa chất xét nghiệm huyết học, hóa chất xét nghiệm sàng lọc máu và hóa chất xét nghiệm đông máu đều thiếu nghiêm trọng nên không thể triển khai xét nghiệm. Mặc dù, thời gian qua, bệnh viện đã nỗ lực kêu gọi xã hội hóa, song, với nhu cầu sử dụng từ 500-600 mẫu xét nghiệm huyết học mỗi ngày, việc kêu gọi không đáp ứng đủ nhu cầu”.

Túi lấy máu cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Không chỉ thiếu hóa chất xét nghiệm máu, ngay cả túi lấy máu nhân đạo cũng bị thiếu hụt dẫn đến thực trạng khó khăn khi bệnh viện tiếp nhận máu nhân đạo từ người hiến. “Việc thiếu hụt hóa chất xét nghiệm buộc khoa phải tạm dừng hoạt động của một số loại máy móc. Nếu dừng hoạt động lâu ngày, các loại máy này sẽ dễ dẫn đến hư hỏng” - Thạc sỹ Hoàng Quốc Anh cho biết.

Khoa Hóa Sinh cũng đối mặt với tình trạng cạn kiệt hóa chất xét nghiệm. Thạc sỹ Cao Văn Hùng - Trưởng khoa cho biết: “Trong hơn 2 tháng trở lại đây, nhiều thời điểm, bệnh viện thiếu hụt nhiều loại hóa chất để thực hiện các xét nghiệm như: điện giải đồ, chức năng thận (Ure, Creatinin), CRP, Men gan (AST, ALT), A. Uric, Trigelycerid, Protein, Ethanol trong máu, test ma tuý nước tiểu… Điều này ảnh hưởng lớn đến việc chẩn đoán và điều trị tại đơn vị".

Cùng với thiếu sinh phẩm, nhiều loại vật tư như: túi máu, xông tiểu, xi sọ não, canyn ngáng lưỡi… cũng bị thiếu do hết số lượng hoặc nhà thầu không thể cung ứng. Hiện tại, một số loại vật tư phục vụ cấp cứu như: vòng cao su cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, stent mạch vành trong điều trị nhồi máu cơ tim… cũng không có sẵn tại bệnh viện.

Khoa Tim mạch cũng đang thiếu khung giá đỡ mạch vành phủ thuốc Sirolimus do nhà thầu chưa cung cấp được. Theo bác sỹ Phạm Hữu Đà - Trưởng khoa Tim mạch, việc thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm tiêu hao sẽ mang lại những hệ lụy xấu, rủi ro cao cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do không tranh thủ được giờ vàng trong cấp cứu, điều trị.

Thời gian qua, để có thể khám, điều trị tại bệnh viện, nhiều bệnh nhân đã phải chấp nhận làm các xét nghiệm dịch vụ bên ngoài. Khó khăn hơn, trong trường hợp không thể làm xét nghiệm thì không còn cách nào khác, bệnh viện buộc phải cho bệnh nhân chuyển tuyến vì không thể chẩn đoán, điều trị.

Khoa Hóa Sinh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiều loại hóa chất xét nghiệm.

Mới đây, bệnh nhân N.V.N (TP. Hà Tĩnh) bị xuất huyết não được đưa vào BVĐK tỉnh để cấp cứu, điều trị, song, do thiếu hóa chất để thực hiện các xét nghiệm buộc bệnh viện phải hướng dẫn bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.

Chị P.T.H (huyện Lộc Hà) chia sẻ: “Tôi bị sỏi tiết niệu, phải nhập viện để điều trị. Dù có tham gia bảo hiểm y tế nhưng do thiếu hóa chất nên gia đình tôi lại phải tự bỏ tiền ra làm một số xét nghiệm dịch vụ ở ngoài - điều mà lẽ ra tôi sẽ được BHYT thanh toán. Thiệt thòi nhất là những bệnh nhân nghèo, nếu không may phải nhập viện trong thời điểm này thì sẽ hết sức vất vả”.

Một điều đáng lo ngại hơn là các xét nghiệm ở các đơn vị bên ngoài không đảm bảo được độ chính xác. Ngoài ra, đối với các trường hợp cấp cứu sau 22 giờ cũng khó thực hiện xét nghiệm dịch vụ để phục vụ cấp cứu, điều trị do các cơ sở xét nghiệm đã đóng cửa.

Thời gian qua, BVĐK tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp như: kêu gọi, huy động hỗ trợ xã hội hóa và mua sắm các gói thầu theo thẩm quyền. Bệnh viện đã kêu gọi tài trợ các loại vật tư, hóa chất với số tiền hơn 6,3 tỷ đồng, song, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các mặt hàng này đã sử dụng hết.

Các cơ sở y tế mong tỉnh có giải pháp cụ thể để gỡ khó cho tình trạng thiếu thốn vật tư, sinh phẩm y tế.

Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh trong bối cảnh các gói thầu về hóa chất, sinh phẩm không có đơn vị dự thầu, BVĐK tỉnh đã thực hiện mua sắm các gói nhỏ theo hình thức cấp bách phục vụ điều trị (dưới 100 triệu đồng). Tuy nhiên, việc thực hiện mua sắm theo hình thức này chỉ đáp ứng các loại vật tư hóa chất tối thiểu đặc biệt cho nhu cầu cấp cứu. Hơn nữa, thủ tục mua sắm cũng mất nhiều thời gian để hoàn thiện.

Thời gian gia hạn thỏa thuận khung đã kết thúc hơn 1 tháng, trong khi đó, cơ sở y tế không thể tự mua sắm do chưa có hướng dẫn về việc tự mua sắm các loại danh mục hóa chất vật tư thuộc danh mục đấu thầu tập trung. Vì vậy, tình trạng thiếu hụt vật tư, hóa chất sinh phẩm tại bệnh viện ngày một nghiêm trọng. Điều này sẽ khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn hơn. Ngoài ra, nhân viên y tế rất khó khăn khi giải thích cho bệnh nhân và người nhà, nhất là trong các trường hợp bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, bệnh viện cũng đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực do vấn đề tự chủ tài chính.

Để tháo gỡ các khó khăn về vật tư, sinh phẩm y tế, đòi hỏi các cấp, ngành cần có một phương án thật cụ thể, trên tinh thần đồng hành với người bệnh và các cơ sở y tế.

Bác sỹ Lê Ngọc Thanh
Phó Giám đốc BVĐK tỉnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói