Bí quyết “sống khỏe” giữa mùa dịch của làng chổi đót nổi tiếng Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đưa nhân lực sang Lào rồi chịu cách ly theo quy định để ở lại thu mua nguyên liệu, đổi tài xế tại cửa khẩu... là cách người dân làng nghề chổi đót Hà Ân (xã Thạch Mỹ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) thực hiện để thu gom gần 2.000 tấn đót phục vụ sản xuất và phân phối ra thị trường.

Bí quyết “sống khỏe” giữa mùa dịch của làng chổi đót nổi tiếng Hà Tĩnh

Xe tải chở nguyên liệu về làng nghề chổi đót Hà Ân (Thạch Mỹ, Lộc Hà).

Anh Lê Tiến Thương (36 tuổi, thôn Hà Ân, xã Thạch Mỹ) cho biết: “Năm nay, việc thông thương qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đòi hỏi phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch. Vì vậy, ngay trước thời điểm bước vào mùa thu hoạch bông đót ở Lào (đầu tháng 11 âm lịch), tôi đã cử 5 công nhân qua biên giới, thực hiện cách ly y tế tại nước bạn đủ 14 ngày, sau đó mới ra thu gom nguyên liệu”.

Được biết, sau khi sang Lào và thực hiện đủ thời gian cách ly, 5 công nhân của anh Thương, mỗi người đã đến một huyện gần biên giới của Lào để thu mua bông đót khô do người dân ở đây thu hái. Sau khi đủ số lượng nhất định, họ liên hệ xe để chở hàng về qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Tại đây, các xe chở hàng được thay đổi tài xế, sau khi phun khử khuẩn xe hàng để đảm bảo an toàn phòng dịch thì đót được vận chuyển về xã Thạch Mỹ.

Với cách làm nêu trên, sau gần 3 tháng, anh Lê Tiến Thương đã thu mua được hơn 250 tấn đót nguyên liệu. Hiện, 5 công nhân của anh đã về nước, 2 người đã hoàn thành cách ly, 3 người khác hiện đang thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung Mitraco (TX Kỳ Anh).

Bí quyết “sống khỏe” giữa mùa dịch của làng chổi đót nổi tiếng Hà Tĩnh

Bằng cách điều công nhân sang Lào, anh Lê Tiến Thương đã thu mua được 250 tấn nguyên liệu bông đót khô.

Không đưa người sang Lào thu gom nhưng đến thời điểm này, chị Phạm Thị Tâm (45 tuổi, thôn Hà Ân, xã Thạch Mỹ) cũng đã thu mua được 200 tấn nguyên liệu bông đót khô.

Chị Tâm cho biết: “Hợp tác làm ăn lâu năm với một số đối tác bên Lào nên chúng tôi nhờ họ thu mua và chuyển hàng đến cửa khẩu. Sau đó, chúng tôi chỉ việc cho xe đến bốc dỡ đưa về”.

Bí quyết “sống khỏe” giữa mùa dịch của làng chổi đót nổi tiếng Hà Tĩnh

Nhiều năm nay, thôn Hà Ân trở thành nơi cung cấp nguyên liệu đót cho nhiều làng nghề trên khắp cả nước. Trong ảnh: Số ít bông đót khô còn lại đã được khách hàng đặt mua của anh Lê Tiến Thương.

Theo anh Lê Tiến Thương, ngoài anh và chị Phạm Thị Tâm, tại thôn Hà Ân còn có 13 người khác cùng làm nghề thu mua nguyên liệu đót từ Lào. Tính từ đầu vụ lại nay, trung bình mỗi hộ thu mua được khoảng 80 - 200 tấn, tổng cả 15 hộ thu mua được khoảng gần 2.000 tấn nguyên liệu.

“So với những năm trước thì số lượng chúng tôi mua được năm nay giảm khoảng 15%. Lý do là ảnh hưởng dịch bệnh nên việc thu hái khó khăn, bên cạnh đó, các chi phí vận chuyển, chi phí liên quan đến phòng dịch... tốn kém hơn nên không thể mạnh tay thu mua như trước” - chị Phạm Thị Tâm cho biết.

Bí quyết “sống khỏe” giữa mùa dịch của làng chổi đót nổi tiếng Hà Tĩnh

Khách hàng trong tỉnh đến mua đót tại kho hàng của chị Phạm Thị Tâm.

Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng nguyên liệu đót phân phối ra thị trường trong nước khá ổn định. Mức giá nguyên liệu đót hiện tại là: loại A 34 triệu đồng/tấn; loại B 30 triệu đồng/tấn; loại C 24-25 triệu đồng/tấn.

Hiện, thôn Hà Ân có khoảng 182 hộ dân làm nghề chổi và các sản phẩm liên quan đến đót. Mỗi năm cả làng nghề tiêu thụ hết khoảng 200 tấn nguyên liệu. Do vậy, khoảng 1.800 tấn nguyên liệu còn lại được các thương lái phân phối ra các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bí quyết “sống khỏe” giữa mùa dịch của làng chổi đót nổi tiếng Hà Tĩnh

Làm chổi đót là nghề truyền thống của người dân thôn Hà Ân nhiều năm nay.

Anh Lê Tiến Thương chia sẻ: "Khách hàng trong tỉnh thì đến trực tiếp nhà chúng tôi để lấy nguyên liệu. Còn đối với những khách hàng ở xa, chúng tôi gửi hàng đến tận nơi và họ thanh toán bằng cách chuyển khoản”.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.