Trước lo ngại của nhiều người khi quy định hiện hành về nồng độ cồn với người lái xe là 0, trong khi có một số trường hợp có nồng độ cồn nội sinh, hoặc nồng độ cồn phát sinh sau ăn một số loại thực phẩm thông thường, kể cả trái cây, nên Bộ Y tế đang hỏi ý kiến về tình huống này.
Theo thông tin kể trên, từ Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định nồng độ cồn bằng 0 đối với người lái ô tô, với người lái xe máy thì không quá 0,05mg/100ml khí thở, quy định trong nghị định 100 hiện hành (và có nhiều ý kiến băn khoăn về nồng độ cồn nội sinh hay nồng độ cồn phát sinh sau ăn một số món) như vậy là không thay đổi đối với người lái ô tô.
Với người lái xe máy, quy định về nồng độ cồn là thay đổi tương đương với lái xe ô tô, theo giải thích là do số vụ tai nạn liên quan đến xe máy cũng rất lớn.
Trả lời về việc vì sao quy định nồng độ cồn bằng 0 đã áp dụng từ lâu và khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia không có ý kiến băn khoăn, hiện lại được nhiều người quan tâm, theo chuyên gia của Bộ Y tế là do xử phạt trước đây chưa mạnh như hiện nay, còn "du di".
Nhưng thực tế vị này cho rằng người dân không nên quá lo ngại về "nồng độ cồn nội sinh", do tình huống này chỉ gặp ở một số người có bệnh lý tiêu hóa, ngưỡng cũng rất nhỏ và những trường hợp như vậy có thể yêu cầu xét nghiệm máu kết quả sẽ chính xác tuyệt đối.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét lần đầu đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bên cạnh rất nhiều ý kiến đồng tình với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn (hay nồng độ cồn bằng 0) với tài xế trong dự thảo luật thì cũng có ý kiến băn khoăn.
Nhiều ý kiến cho rằng việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế sẽ khó khả thi ở một số trường hợp cụ thể, chưa kể trong cơ thể luôn có sẵn nồng độ cồn nội sinh, do vậy, đề nghị nghiên cứu về căn cứ khoa học và tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác để quy định ngưỡng.