Chiều 12/10, ngay sau khi một tờ báo đăng bài viết “Bệnh viện Nhi Trung ương đang thành bệnh viện dịch vụ?”, trong đó có phản ánh về vấn đề về triển khai giường dịch vụ, khám bệnh yêu cầu, phẫu thuật tim sớm, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Bệnh viện rà soát, kiểm tra thực tế, làm rõ các vấn đề báo nêu.
Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Nhi Trung ương phải báo cáo về Bộ các vấn đề trên trước ngày 15/10/2016.
Công văn của Bộ Y tế gửi BV Nhi Trung ương |
Trước đó, theo báo Dân Trí, ngày 11/10 một số cơ quan báo chí nhận được đơn tố cáo việc bệnh viện Nhi Trung ương có số giường bệnh dịch vụ cao hơn nhiều so với quy định của Bộ Y tế, giá khám dịch vụ cao nhất, cùng với đó là dịch vụ nộp thêm 30 triệu để được mổ tim ngay thay vì chờ mòn mỏi nhiều tháng.
Trong đơn tố cáo này, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện đã biến thành một Bệnh viện dịch vụ, với tổng số giường dịch vụ chiếm gần 30% trong tổng số giường bệnh, trong khi Bộ Y tế chỉ cho phép bệnh viện có không quá 10%. Thực tế, bệnh viện này có 400 giường dịch vụ trong tổng số 1.500 giường bệnh.
Trong đơn cũng phản ánh việc bệnh viện Nhi Trung ương có mức giá khám dịch vụ cao nhất cả nước. Khám đa khoa có hẹn là 390.000 – không hẹn là 580.000; khám chuyên khoa có hẹn là 580/000 – không hẹn là 680.000; tái khám chuyên khoa giá 390.000 - tái khám đa khoa 290.000; khám cấp cứu giá 580.000.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ông cũng muốn xóa bỏ toàn bộ giường dịch vụ, nhưng nhu cầu người bệnh vẫn có.
Đó là những bệnh nhân không quá nặng, bác sĩ đã giải thích về tuyến dưới hoặc điều trị ngoại trú nhưng họ không yên tâm. Trong khi giường bệnh dành ưu tiên cho bệnh nhân nặng, cấp cứu và Bệnh viện đã kí cam kết không được nằm ghép.
Về việc mổ tim sớm, ông Hải cho biết, đây là những ca mổ tự nguyện ngoài giờ, còn trong giờ hành chính, các bác sĩ đều mổ theo lịch bệnh nhân đã xếp và mổ cấp cứu.
Lý giải về mức giá này, người đứng đầu BV nhi cho rằng, giá dịch vụ theo yêu cầu đều được BV báo cáo thu chi với Bộ Y tế. Với mức giá này đã tính cả tiền lương và một chút lãi, BV thu mới đủ bù chi và có tích luỹ để tái đầu tư, dành quỹ chi trả cho bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả (khoảng 10 tỷ mỗi năm)./.