Bóng quê

(Baohatinh.vn) - Quê tôi nằm vắt vẻo bên dòng Rào Cái, như cù lao giữa ba bề sông nước. Một bên là ngã ba Sơn quen gọi là Hộ Độ (Lộc Hà - Hà Tĩnh). Quăng chừng vài mươi cội sào là Cửa Sót cuồn cuộn thủy triều. Ngọn Nam Giới như bức bình phong sừng sững chắn sóng Biển Đông cho thôn mạc yên bình.

Bóng quê

Cửa Sót nhìn từ góc máy Flycam. Ảnh: Du lịch Hà Tĩnh

Có lẽ cha ông xưa chọn thế “nhất cận thủy, nhị cận sơn” để khai ấp lập làng. Nếu tính từ thời Lý khi Đại Việt lập Định Phiên trại trên núi Nam Giới và xưng danh châu Thạch Hà, kể ngót trên nghìn năm. Lần giở từ gia phả dòng họ thì chí ít đầu đời Trần, nơi đây đã hình thành cộng đồng dân cư với những đơn vị hành chính đầu tiên. Sách “Thạch Hà phong thổ ký” đời Bảo Đại ghi rõ làng Đình Hòe quê tôi thuộc tổng Hạ Nhị, phủ Thạch Hà xưa (nay là xã Đỉnh Bàn). Thổ nhưỡng phèn chua, nước mặn khó bề lúa nước khi một vụ bấp bênh. Bù lại, dòng Lạch Sót là kho muối vô tận cho một bộ phận cư dân theo diêm nghiệp. Lại nữa, ngọn núi Nam Giới sinh nghề thợ đá cha truyền con nối.

Nghề đá Đình Hòe nổi danh mọi thời. Sáng sớm thợ lên núi khai thác, chiều về, những con thuyền giong buồm đi muôn nẻo công trình, theo dòng Hà Hoàng ra Cày hay Can Lộc, ngược nguồn Rào Cái lên Phủ Nài... thợ đá Đình Hòe ra mãi Nghi Xuân, Bến Thủy, vào Hải Khẩu, Kỳ Anh. Ở đâu có đê biển, kè chắn sóng hồ đập cần đá đều có bàn tay thợ làng Đình Hòe. Trên dòng hồ hải ấy, thợ thuyền luôn lấy ngọn Nam Giới tìm về bến đỗ. Bao cuộc đời cần lao xuôi ngược trên sóng nước lúc xuôi chèo mát mái, sẵn chút men đời, vỗ nhịp mạn thuyền mà hát rằng:

Nhẹ mái chèo đưa ngoảnh cổ trông

Trông lên Nam Giới điệp trùng trùng

Xanh xanh đầu núi mây vờn nắng

Trăng trắng cuối ghềnh gió gội thông...

Là vì bóng hình ngọn núi, dòng sông thân thuộc như hình thủy mặc, ăn vào máu thịt bao đời của lớp lớp dân quê. Nghề đá phát triển mạnh mẽ sau giải phóng (1975) gắn với công cuộc kiến thiết xây dựng nước nhà. Còn nhớ thời ấy, HTX Thủ công Đình Hòe ra đời, hàng hóa bán ra tận Hải Phong. Trên bộ, dưới thủy tấp nập lắm.

Bóng quê

Núi Nam Giới. Ảnh tư liệu

Quê tôi ẩn mình dưới ngọn Nam Giới mà tránh cuồng phong bão tố. Giữa ba bề sóng nước, con người phải chống chọi với thiên nhiên mà sinh tồn. Làng Đình Hòe vẫn thờ danh tướng Nguyễn Thận làm bản thổ thành hoàng. Nguyễn Thận là tướng tâm phúc thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ (1789), được Quang Trung ủy thác làm tổng trấn Nghệ An (bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh). Chính Nguyễn Thận khi đương nhiệm đã sức tráng đinh làng Đình Hòe đưa thuyền, kết bè lấy đá từ Nam Giới dựng hình thành vòng cung đê kè bảo vệ xóm làng, còn dấu tích đến ngày nay.

Ngọn hải triều vô tận chính là kho muối để một bộ phận cư dân sống bằng diêm nghiệp. Mà diêm nghiệp gắn liền với ô nại. Thuở xưa, mẹ tôi vẫn thường hát ru:

Anh con nhà nương nại

Bạn con nhà thú quê

Thương nhau đón bạn về...

Nghề nương nại tức nghề làm muối hai sương một nắng trải không ít gian lao. Nắng hạ, gió lào nung cháy da người để làm ra hạt muối. Điều quyết định để có muối là hệ thống ô nại. Muốn làm được ô nại phải có bàn tay thợ nề.

Ruộng muối ít hay nhiều sản phẩm đều do sự khéo léo của người thợ mà ra cả. Nghề thợ nề, vôi hàu ở Đình Hòe tuân thủ theo những kỹ thuật dù mang tính thủ công nhưng nghiêm ngặt về yêu cầu. Nguyên liệu vỏ sò nhiều vô kể ở bãi biển làng Dương Luật (nay là thôn Minh Đức, xã Thạch Hải, Thạch Hà) được khai thác. Người ta đắp lò lộ thiên, quạt ngầm bằng đất sét đốt thành vôi hàu. Thứ vôi hàu này khi gặp nước sẽ tạo ra phản ứng, càng ngâm lâu dưới nước càng tốt.

Vôi hàu trộn với tro (đốt rơm rạ) để làm ô nại tạo nên mặt ruộng mỏng và đen như lụa. Khi ruộng muối cất nước biển dưới nắng sẽ tạo thành muối kết tinh sau 12 tiếng đồng hồ. Quan trọng hơn, vôi hàu trộn với nhựa cây, một thứ nhựa đặc biệt chỉ có dân Đình Hòe biết được thành một thứ vữa tổng hợp rất dẻo. Vữa tổng hợp ấy đặc quánh có màu sền sệt, nếu pha với mật mía, giã thật nhuyễn là hỗn hợp xây dựng đình chùa, miếu mạo hay lăng tẩm thì có độ bền rất cao.

Hương ước làng Đình Hòe vào những năm đầu đời Tự Đức (1848) ghi rõ: Để xây dựng đình làng thì đinh tráng phải góp mật mía, công sức để giã vôi. Những tay thợ làng Đình Hòe nối đời làm nghề thợ nề gia truyền nhờ bí quyết ấy. Đa phần những công trình kiến trúc mang tín ngưỡng, yêu cầu độ kết cấu bền vững và mang tính mỹ thuật trên địa bàn phủ Thạch Hà - Hà Tĩnh đều mang dấu ấn bàn tay của những người thợ tài hoa đó.

Có thể kể đến những công trình, di tích còn sót lại như là: đền Chiêu Trưng ở núi Long Ngâm, đền Tương Bình ở Hoa Viên (xã Đỉnh Bàn, Thạch Hải)... Đặc biệt, qua các tấm bia còn lại ở đền Võ Miếu (TP Hà Tĩnh) thì toàn bộ kiến trúc Võ Miếu được trùng tu đầu thế kỷ XX, phần nề do thợ làng Đình Hòe đảm nhiệm. Dù có niên đại hàng trăm năm, trải qua phong hóa của thiên nhiên và bom đạn của chiến tranh, những di tích trên vẫn nguyên giá trị về hình khối. Hơn 100 năm nay, du khách đến vãn cảnh đền Võ Miếu đều không khỏi ngỡ ngàng trước bố cục tinh tế, đường nét tài hoa của hệ thống kiến trúc nơi đây. Không những thế, các công trình tôn giáo như nhà thờ Văn Hạnh (Thạch Trung) hay nhà thờ Quèn Đông (xã Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên ngày nay) rồi chùa Sò (xã Thạch Lạc)… đều có công sức của tay thợ Đình Hòe. Có lẽ, dấu ấn tài hoa người thợ cũng tồn tại như tấm bia đã khắc công lao của người xưa chăng?

Bóng quê

Đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo các bậc cao niên thì trước 1945, làng Đình Hòe có đầy đủ hệ thống kiến trúc mang vóc dáng của vương quyền và thần quyền như đình làng, nhà Sắc, đền Thánh Mẫu, Tam Lang… vào loại đẹp nhất của tổng Hạ Nhị, phủ Thạch Hà xưa. Tiếc thay, nay tất cả chỉ còn trong ký ức. Những nghệ nhân như cố Chắt Triện, cố Đồng Thiện, Đồng Nghi… đã về với thiên cổ. Đầu thế kỷ XX, khi xây lăng Khải Định, một kíp thợ Đình Hòe cũng vinh dự được tham gia công trình ấy theo tờ sức của tri phủ huyện sở tại lúc bấy giờ.

Theo thời gian, làng thợ Đình Hòe cũng thay đổi theo thế kỷ của xi măng, sắt thép cùng với kỹ thuật thi công hiện đại. Những villa, cao ốc vươn lên không gian. Những người thợ từ làng Đình Hòe, Đỉnh Bàn vẫn như con ong chăm chỉ nối tiếp truyền thống của ông cha xưa, trộn mồ hôi vào vôi vữa làm đẹp quê hương, đất nước.

Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, làng Đình Hòe rũ đói nghèo vươn dậy. Thôi không còn cảnh đò giang sông nước cách trở nữa. Con đường ven biển thênh thang mấy làn xe, chạy qua làng Đình Hòe vào thẳng Thiên Cầm, Vũng Áng. Chưa bao giờ hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng được tạo dựng rộng khắp và thuận tiện như hôm nay. Cây cầu Cửa Sót như cánh tay khổng lồ nối những bờ vui. Làng Đình Hòe đã trở thành một bộ phận của xã Đỉnh Bàn.

Bóng quê

Bóng quê. Ảnh Trần Thiện Chân

Mọi thế mạnh về nhân tài, vật lực được người quê khai thác mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi giao thương thuận lợi, kỹ năng lao động của làng quê hòa vào trong guồng máy đổi mới của tỉnh nhà. Bàn tay lao động sáng tạo đã cho làng Đình Hòe một tiềm năng kinh tế vững chãi. Dọc trục đường, bên làng quê, nhà cao tầng vút lên trời xanh. Xe hơi, xe tải và các phương tiện đa dụng đã trở thành bình thường trong mỗi làng xóm. Công cuộc đổi mới đã làm thay đổi diện mạo một làng quê có trầm tích văn hóa lâu đời. Người quê tôi theo Đảng để đổi đời từ sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Những đổi thay kỳ diệu của cuộc sống ấm no, đầy đủ, cảnh quan tươi đẹp đã làm ngỡ ngàng những người xa quê lâu ngày trở lại. Tay thợ làng Đình Hòe sang mãi tận Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều vùng lãnh thổ khác, đem lại thu nhập không nhỏ từ ngoại tệ. Phiên chợ Đón sầm uất nhất nhì vùng biển ngang. Hàng hóa bạt ngàn như phố thị. Những ki-ốt tinh tươm, những mặt hàng công nghệ của thời mở cửa sánh cùng phẩm vật của một miền quê giàu truyền thống văn hóa. Mạch núi Nam Giới, Văn Sơn hình thành tục thờ trầu cau cho duyên quê thắm lại. Trong bức tranh của xã Đỉnh Bàn hôm nay có bóng dáng của làng Đình Hòe quê tôi từ ngàn xưa đến ngày nay vẫn âm thầm phát sáng. Dù ở đâu, người quê tôi vẫn nhìn về Nam Giới, nơi đó có dòng sông, cây cầu vút cong như chiếc lược ngà đang chải lên mái tóc màu xanh muôn đời của đất quê yêu dấu:

Dòng đời chảy một màu xanh

Núi sông tác hợp mà thành đất quê.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.