Các địa phương ở Hà Tĩnh gấp rút triển khai chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ

(Baohatinh.vn) - Với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, 13 huyện, thành, thị trên địa bàn Hà Tĩnh đã và đang gấp rút triển khai chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ). Đây là động lực để ngành dân số phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm.

Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở thành phố Hà Tĩnh được triển khai từ ngày 10 -12/11 (Ảnh chụp tại Trạm y tế Thạch Trung).

Tháng 11 này, Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh dồn sức thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Đây là đợt chiến dịch đáng mong chờ nhất trong năm bởi nguồn kinh phí lớn, phủ sóng ở tất cả 13 huyện, thị, thành. Với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, các địa phương đang gấp rút triển khai chiến dịch đến tận người dân.

Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở thành phố Hà Tĩnh được triển khai trong 3 ngày, từ 10 - 12/11. Đây là chiến dịch lần đầu trong năm được triển khai trên địa bàn. Dù được tổ chức theo cụm nhưng với việc chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến từng thôn xóm, chiến dịch đã thu hút đông đảo người dân ở 15 xã, phường tham gia.

Chị Thái Thị Thanh Minh - chuyên trách dân số xã Thạch Trung cho biết: “Đợt chiến dịch này đã thu hút hơn 100 người tham gia, trong đó, số người thực hiện các biện pháp KHHGĐ khá cao. Đó cũng là yếu tố giúp chúng tôi nâng tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn thực hiện các biện pháp tránh thai đạt 80% kế hoạch năm”.

Thị xã Hồng Lĩnh là 1 trong những địa phương đầu tiên triển khai chiến dịch (ngày 8, 9/11). Đây được xem là 1 đợt truyền thông vận động sâu rộng về công tác dân số trên địa bàn.

Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã tạo cơ hội cho người dân phường Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh) tìm hiểu các kiến thức về vấn đề này.

Chị Hà Thị Yến - Trưởng phòng Dân số truyền thông, Trung tâm Y tế thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Tháng 5/2022, chúng tôi đã tổ chức chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 1 bằng nguồn kinh phí của địa phương. Tuy nhiên, các chỉ tiêu kế hoạch đều chưa được như mong muốn. Chính vì thế, sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí, nhân lực của tỉnh trong chiến dịch lần này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp chúng tôi đến gần hơn với mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm”.

Để thu hút sự quan tâm của người dân, đội ngũ cán bộ dân số thị xã Hồng Lĩnh đã bám từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền vận động. Thêm vào đó, sự đa dạng về dịch vụ trong quá trình thực hiện như khám, siêu âm, đặt vòng, cấy thuốc … đã thu hút đông đảo người dân thị xã Hồng Lĩnh tham gia chiến dịch.

Siêu âm là một trong những dịch vụ mà chiến dịch triển khai ở phường Nam Hồng.

Chị Nguyễn Thị Như ở phường Nam Hồng chia sẻ: “Việc tăng cường các chiến dịch lồng ghép, chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn phường đã đáp ứng nhu cầu, mong muốn của chúng tôi. Cùng với đó, sự tham gia của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cấp tỉnh trong chuyên môn, sự đa dạng trong việc cung cấp các loại hình dịch vụ cũng là yếu tố để thu hút đông đảo bà con đến với chiến dịch”.

Đến thời điểm hiện tại, các gói dịch vụ KHHGĐ trên địa bàn Hồng Lĩnh đạt tỷ lệ trên 75%, trong đó số người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 92%.

Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở xã Lâm Hợp (huyện Kỳ Anh) đã thu hút đông đảo chị em tham gia.

Tại thị xã Kỳ Anh, những ngày qua, công tác chuẩn bị để triển khai chiến dịch đã được Trung tâm Y tế thị xã và đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở thực hiện chu đáo.

Chị Lê Thị Lý - Trưởng phòng Truyền thông dân số thị xã Kỳ Anh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở thị xã vẫn còn gần 39%, vì thế, việc tiếp tục tăng cường chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn là giải pháp quan trọng để chúng tôi thực hiện mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số”.

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngay sau khi tình hình dịch bệnh đã tương đối ổn định, ngành dân số Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu DS/KHHGĐ, dân số và phát triển. Theo số liệu thống kê sơ bộ trong 10 tháng đầu năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn toàn tỉnh là 34,06%, giảm 1,11% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi thực hiện các biện pháp KHHGĐ có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, Hà Tĩnh vẫn đang là tỉnh có mức sinh cao so với nhiều địa phương trên cả nước, vì thế, việc thực hiện giảm sinh, ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số vẫn còn nhiều khó khăn. Và giải pháp được xem là hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu này đó là tăng cường các đợt tuyên truyền sâu rộng kết hợp với cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến với các địa bàn.

Xác định tầm quan trọng của chiến dịch trong việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch năm nay và là bản lề cho năm 2023, thời gian qua, ngành dân số đã rất quyết liệt trong quá trình chỉ đạo. Qua giám sát cho thấy, cường độ làm việc của các đội cung cấp dịch vụ dày đặc. Hơn nữa, sự chuẩn bị chu đáo và quyết tâm của các địa phương cũng là yếu tố để chiến dịch lan tỏa, được người dân hưởng ứng tích cực.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 5 địa bàn triển khai chiến dịch gồm: Đức Thọ, Vũ Quang, Lộc Hà, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh. Các địa phương còn lại đang tiếp tục triển khai và phấn đấu kết thúc chiến dịch trước ngày 20/12/2022.

Ông Nguyễn Trung Kiên
Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ - Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói