Ngân hàng áp dụng nhiều ưu đãi lãi vay…
Thông tin từ Vietcombank Hà Tĩnh, chi nhánh này tiếp tục “chạy” đợt ưu đãi lãi suất cho vay mới. Trong thời gian 3 tháng (từ 22/2/2021 đến 22/5/2021), khách hàng doanh nghiệp sẽ được giảm 10% số tiền lãi/tháng phải trả ngân hàng cho khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 và 5% số tiền lãi/tháng phải trả ngân hàng đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi Covid-19.
Vietcombank Hà Tĩnh đang là ngân hàng có lãi suất cho vay tốt nhất địa bàn
Mặt khác, Vietcombank cũng giảm 0,2%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh. Đây là đợt thứ 5 Vietcombank thực hiện động thái giảm lãi vay kể từ năm 2020.
“Lãi suất sẽ đồng loạt giảm cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng Vietcombank (trừ các đối tượng đã được áp dụng các chính sách trước đó - PV)”, bà Trần Thị Hồng Thắm - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Vietcombank Hà Tĩnh cho biết.
Theo đó, bình quân lãi suất cho vay kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống ở ngân hàng này bình quân ở mức 6,5% - 8%/năm, áp dụng cho các đối tượng khách hàng.
HDBank áp dụng nhiều gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp và người dân
Tại Vietinbank Hà Tĩnh, lãi suất thấp nhất mà ngân hàng này áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp là 5,5%/năm và 4,5%/năm đối với cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn nếu khách hàng đáp ứng được các điều kiện vay. HD Bank thiết kế các gói vay cho các hộ kinh doanh siêu nhỏ, kinh doanh tại gia, cho vay thuê nhà... với mức lãi suất ưu đãi từ 3 - 9%/năm tùy chương trình...
Vốn giá rẻ: Còn tùy vào năng lực của doanh nghiệp...
Tại Hà Tĩnh, bảng lãi suất cho vay VND ở các ngân hàng thương mại phổ biến 4,5 - 9%/năm đối với kỳ ngắn hạn; 9 - 11%/năm ở kỳ trung dài hạn.
Các doanh nghiệp sản xuất vẫn cần chính sách tín dụng “đỡ” khó khăn trong giai đoạn phục hồi
Lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (bao gồm: cho vay nông nghiệp - nông thôn; xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) phổ biến 4,5 - 5,5%/năm.
Tuy nhiên, các ngân hàng đều thừa nhận, chưa thể “rộng cửa” đối với kênh cho vay giá rẻ cho tất cả các doanh nghiệp mặc dù lãi suất huy động liên tục xuống khá thấp và khả năng thanh khoản ngân hàng cao. Lãi suất giá rẻ luôn đi kèm với điều kiện. Doanh nghiệp phải đủ tín nhiệm cao với ngân hàng, có lịch sử tín dụng tốt, đủ năng lực và quy mô tài chính, tài sản thế chấp...
Nhịp độ làm việc đã quay trở lại ở nhiều doanh nghiệp ở Hà Tĩnh
Phần lớn doanh nghiệp cho rằng, với những điều kiện này, rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng. Vì ở giai đoạn bắt đầu phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu giảm, tác động xấu từ thị trường liên tục tạo thử thách cho doanh nghiệp. Trong khi nguồn vốn lưu động đã cạn kiệt, tài sản thế chấp cũng hết.
Chưa hết, lãi suất giảm chủ yếu ở kỳ ngắn hạn (dưới 12 tháng), còn doanh nghiệp nếu có nhu cầu đầu tư hạ tầng, sản xuất dài hạn phải vay vốn trung, dài hạn (trên 12 tháng) thì vẫn phải vay ở mức lãi suất phổ biến từ 9 - 11%/năm, trong khi lãi suất huy động ở kỳ hạn này chỉ từ 5,3 - 7%/năm.
Công ty TNHH Thủy Châu được giảm 3 lần lãi suất cho vay năm 2020
Bà Đinh Thị Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Thủy Châu (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Chúng tôi được Vietcombank Hà Tĩnh hỗ trợ giảm 5% số tiền lãi/tháng và hưởng lãi suất vay là 6,5%/năm. Đây là nguồn động viên cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, song so với số lãi mà chúng tôi phải trả thì vẫn chưa là bao. Chúng tôi mong ngân hàng sẽ có các giải pháp mạnh hơn, giảm lãi về mức 5 - 5,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp”.
Ngân hàng Nhà Hà Tĩnh nước yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hơn cho doanh nghiệp, người dân
Vào ngày 5/3/2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số ban hành văn bản số 1370/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới…
Ông Trần Hữu Cần - Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Chi nhánh đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân. Trong đó, cần tiết giảm chi phí để tập trung giảm lãi vay, nhất là các khoản vay cũ và khoản vay trung, dài hạn; thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất, phí cho vay để hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19”.
Tất nhiên, cái khó của các ngân hàng cũng chính là lợi nhuận. Muốn giảm lãi suất cho người vay, ngân hàng phải tự cắt giảm chi phí, lợi nhuận trong khi vốn dĩ lợi nhuận đã xuống thấp vì sự trầm lắng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngân hàng phải đảm bảo kế hoạch kinh doanh an toàn, trích lập dự phòng rủi ro cao trong điều kiện kinh doanh khó khăn...