Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc
Tại cuộc làm việc, đại biểu đã nghe lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo các tờ trình, dự thảo nghị quyết về: Một số chính sách hỗ trợ đối với công an xã nghỉ việc để bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn; Chế độ, chính sách đặc thù đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân chuyên trách trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Thị Tố Hoa trình bày các tờ trình, dự thảo nghị quyết liên quan đến công an xã, ban tiếp công dân tỉnh.
Theo thống kê, tổng số công an xã trên địa bàn toàn tỉnh có 425 người (Trưởng công an xã 195 người, phó trưởng công an xã 183 người, công an viên thường trực 47 người); hiện đã bố trí công an chính quy tại 120 xã, thị trấn (còn 75 xã, thị trấn chưa bố trí công an chính quy).
Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Công an tỉnh: "Việc ban hành một số cơ chế, chính sách để giải quyết chế độ cho công an xã bán chuyên trách không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ là hết sức cần thiết..."
Đến nay, tổng số công an xã cần giải quyết chế độ là 194 người, gồm trưởng công an xã 70 người (23 người đã nghỉ nhưng chưa giải quyết chế độ, 24 người dự kiến nghỉ, 23 người chưa có phương án bố trí); phó trưởng công an xã 98 người (29 người đã nghỉ nhưng chưa giải quyết chế độ, 2 người đang bố trí làm công an viên thường trực, 61 người dự kiến nghỉ, 6 người chưa có phương án bố trí); công an viên thường trực 26 người (5 người đã nghỉ nhưng chưa giải quyết chế độ, 14 người dự kiến nghỉ, 7 người chưa có phương án bố trí).
Dự kiến, ngoài việc được hưởng các chế độ, chính sách hiện hành theo quy định của Trung ương, các đối tượng này còn được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị quyết số 164/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách là 14,55 tỷ đồng.
Phó Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Nguyễn Văn An: "Việc ban hành chính sách đặc thù đối với cán bộ tiếp công dân chuyên trách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là cần thiết".
Sau khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên; nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp thông qua tiếp dân đã được giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, công tác tiếp công dân vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định như số lượng cán bộ ít, chất lượng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu.
Chánh Thanh tra tỉnh Võ Văn Phúc: "Việc ban hành các chính sách cần bám sát các quy định của Trung ương...".
Đặc biệt, chế độ chính sách cho cán bộ tiếp dân chuyên trách theo quy định chưa được cụ thể hóa và triển khai bài bản nên chưa động viên, thu hút cán bộ có năng lực, tâm huyết…
Do đó, việc ban hành “Chính sách đặc thù đối với cán bộ tiếp công dân chuyên trách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” là yêu cầu cần thiết nhằm thu hút, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tình hình mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái: “Cần quan tâm bố trí trang thiết bị, nhất là phần mềm cho công tác tiếp công dân”.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của các ngành, đơn vị trong việc soạn thảo các nghị quyết trình Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XVII, lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị các ngành, đơn vị tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết; tuân thủ các quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bám sát các quy định của Trung ương trong tham mưu ban hành chính sách; đảm bảo tính công bằng trong việc hưởng chế độ chính sách và quyền lợi của người lao động; việc bố trí công tác khác đối với chức danh trưởng công an xã cần đảm bảo quyền lợi, thẩm quyền, chế độ chính sách, không để xảy ra khiếu nại tại cơ sở.