Cần khôi phục bản sắc văn hóa cho đồng bào dân tộc Lào ở thôn Kim Quang

(Baohatinh.vn) - Dân tộc Lào ở thôn Kim Quang, xã Quang Thọ (Vũ Quang, Hà Tĩnh) mong muốn được khôi phục các nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng đang gặp khó.

DSC_3213.JPG
Ông Vi Xuân Cảnh kể cho cháu nội nghe về nguồn cội dân tộc mình qua những tấm ảnh cũ.

Các vị cao niên ở thôn Kim Quang (xã Quang Thọ) kể: Cách đây khoảng 80 – 90 năm, có 12 hộ người Lào từ bên kia biên giới đã bỏ xứ đi tìm vùng đất mới để tránh đói và chạy giặc. Họ đã lựa chọn bản Kim Quang (xã Hương Quang cũ, nay nằm trong vùng lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang) làm nơi sinh cơ lập nghiệp và chung sống hòa thuận với cư dân bản địa, đến nay đã 5 thế hệ.

Năm 2014, khi làm dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang có khoảng 40 hộ người Lào xin được di cư vào Nam, số còn lại về khu tái định cư Hói Trung của xã Hương Quang cũ (nay là thôn Kim Quang, xã Quang Thọ) sinh sống. Hiện nay, ở thôn biên giới này đang có 52 hộ/270 nhân khẩu người Lào (chiếm 1/3 dân số trong thôn). Họ đã xem Việt Nam là quê hương của mình nên luôn nỗ lực để phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, xây dựng quê hương, đóng góp tích cực vào công cuộc chung.

Người Lào giờ đã "rễ chắc, gốc sâu" ở vùng biên viễn Kim Quang và thuộc diện tiến bộ nhất so với cộng đồng các dân tộc thiểu số khác trong tỉnh.
Người Lào giờ đã "rễ chắc, gốc sâu" ở vùng biên viễn Kim Quang và thuộc diện tiến bộ nhất so với cộng đồng các dân tộc thiểu số khác trong tỉnh.

Vì trải qua thời gian, phải di dời tái định cư, gánh nặng mưu sinh và sống gần gũi với người bản địa nên người Lào ở Kim Quang đã dần bị mai một bản sắc văn hóa. Từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ nghi cúng đơm, ma chay, cưới xin... đến nhà ở (nhà sàn), hát dân ca, đọc ca dao, thêu thùa, trang sức, lễ hội... đều cơ bản đã "thuần Việt". Vì vậy, câu chuyện bản sắc văn hóa ở đây đang khiến nhiều người trăn trở, nhất là các vị cao niên trong cộng đồng.

122 - Copy.jpg
Mang dòng máu dân tộc Lào nên bà Nguyễn Thị Xanh (thứ 2 từ phải qua trái) đã mua tấm áo dân tộc trong đợt đi du lịch Tây Bắc và xem đó là trang phục của đồng bào mình nên thỉnh thoảng đưa ra mặc.

Cụ Vi Xuân Cảnh (gần 80 tuổi) trăn trở: “Những người già như chúng tôi thường hoài niệm về quá khứ, gốc tích, cội nguồn và trăn trở trước những nét đẹp truyền thống của dân tộc đã bị mai một, thất truyền. Giờ đây sắp như “lá rụng về cội” tôi mới nghĩ đến điều thiêng liêng này nhưng đành bất lực.

Chúng tôi rất mong các cấp, ngành chung tay hỗ trợ, con cháu có ý thức khôi phục những giá trị văn hóa mang tính cội nguồn đã bị mai một".

Các thế hệ người Lào hôm nay luôn chăm lo vun đắp cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.
Các thế hệ người Lào hôm nay luôn chăm lo vun đắp cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Anh Vi Xuân Hường - Trưởng thôn Kim Quang cho hay: "Chúng tôi rất muốn khôi phục lại các giá trị văn hóa của dân tộc mình, nhưng vấn đề này đang gặp khó khăn. Những vị cao niên biết nói, viết, ca hát, cúng đơm... đã mất hoặc già cả nên không còn minh mẫn. Các loại tài liệu, sách vở ghi chép các vấn đề liên quan đến cộng đồng bị thất lạc do một số người ở bản cũ đang mang theo vào Nam khi di dân. Ban họ tộc Người Lào đã giải thể cách đây 10 năm nên việc không thể hỗ trợ trong việc này. Ngoài ra, hiện nay, lớp người già thì không còn nhiều sức khoẻ; lớp trung niên lo áp lực kinh tế, gia đình; lớp trẻ lại lo học hành, phấn đấu đi ra xã hội... nên rất khó khăn".

"Tuy nhiên, nếu quyết tâm vào cuộc và có sự hỗ trợ cần thiết từ các cấp, ngành thì việc khôi phục bản sắc văn hóa cho người Lào chúng tôi có thể thực hiện được. Bởi, hiện nay dòng tộc của chúng tôi đang chủ yếu đang sinh sống ở bản Na Ka Đốc, huyện Khăm Cợt (tỉnh Bolikhămxay). Nếu có chủ trương, được khuyến khích, hỗ trợ thì chúng tôi có thể về cố hương tìm hiểu, sao chép, chọn lọc khôi phục những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình", anh Vi Xuân Hường chia sẻ thêm.

Đồng bào dân tộc thiểu số này không còn ngôn ngữ, trang phục, trang sức, tiếng khèn, tiếng sáo... đặc trưng.
Đồng bào dân tộc thiểu số này không còn ngôn ngữ, trang phục, trang sức, tiếng khèn, tiếng sáo... đặc trưng.

Ông Hà Quang Yên – Bí thư Đảng ủy xã Quang Thọ chia sẻ: “Việc khôi phục lại bản sắc, các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lào ở thôn Kim Quang là điều bà con mong muốn và rất cần thiết. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng có ý tưởng hỗ trợ bà con trong việc này để tạo thêm sự đa dạng, sắc màu, điểm nhấn trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của Nhân dân và có thể tiến tới hình thành khu du cộng đồng, du lịch trải nghiệm mang bản sắc riêng.

Tuy nhiên, hiện vấn đề này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn lực, kinh nghiệm nên mới chỉ khôi phục được lại điệu nhảy sạp. Vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ quan tâm đến vấn đề này hơn và sẽ kiến nghị với cấp trên, ngành văn hóa hỗ trợ".

11 - Copy.jpg
Nhịp sống mới nơi miền biên viễn Kim Quang.

Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Vũ Quang Nguyễn Minh Đức thông tin: “Khi thấy một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số khôi phục, bảo tồn, phát huy thành công một số nét truyền thống, văn hóa đặc trưng, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát sơ bộ đối với người Lào ở thôn Kim Quang.

Tuy nhiên, bước đầu cho thấy khá khó khăn. Sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra, tìm hiểu sâu thêm, nếu thuận lợi sẽ xây dựng đề án để có kế hoạch từng bước khôi phục bản sắc văn hóa kết hợp phát triển làng du lịch cộng đồng”.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).