Video: Người nhà bệnh nhân lo lắng khi đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Kỳ Sơn.
Trạm Y tế xã Kỳ Sơn được xây dựng tại thôn Mỹ Lợi vào năm 2004. Đến nay, sau hơn 18 năm sử dụng, hầu hết các hạng mục cơ sở vật chất nhà trạm đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều bức tường bị nứt toác từng vệt dài; trần nhà bong tróc; hệ thống cửa chính, cửa sổ đều rệu rã, xiêu vẹo.
Không chỉ các hạng mục nhà trạm mà hệ thống trang thiết bị của trạm cũng đang lâm vào cảnh thiếu thốn, tạm bợ.
Sau hơn 18 năm đưa vào sử dụng, Trạm Y tế xã Kỳ Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trong khi đó, với tổng số dân gần 7.000 nhân khẩu, hằng ngày có hàng chục người đến khám và chữa bệnh. Mặc dù ít có trường hợp ở lại qua đêm nhưng ban ngày vẫn có nhiều người lưu trú, theo dõi bệnh. Trong điều kiện nhà trạm tạm bợ với nguy hiểm rình rập, bệnh nhân và người nhà không khỏi lo lắng, bất an.
Nhiều điểm tường sát trần nhà bị nứt toác, có thể gây đổ sụp bất cứ lúc nào.
Chị Nguyễn Thị Lụa ở thôn Sơn Trung 2 có con bị ho, những ngày qua, ngày nào chị cũng phải đưa đến Trạm Y tế xã để theo dõi và điều trị. Chị Lụa bày tỏ: “Vì bệnh tật mà phải đến để khám và điều trị chứ đến đây thấy cơ sở vật chất xuống cấp như thế này tôi rất lo ngại, nhất là khi phải cho con nằm chờ trong những căn phòng nguy hiểm rình rập”.
Con trai chị Nguyễn Thị Lụa được theo dõi điều trị tại Trạm Y tế xã Kỳ Sơn.
Nhà trạm xuống cấp cũng gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho đội ngũ bác sỹ, nhân viên trong thực hiện khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.
Bác sỹ Nguyễn Thế Hùng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Sơn cho biết: “Làm việc trong điều kiện hệ thống nhà trạm xuống cấp, tạm bợ, không chỉ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác khám chữa bệnh mà đội ngũ y, bác sỹ ở đây cũng phải đối mặt với các mối nguy hiểm. Đặc biệt là vào mùa mưa bão, một số phòng không dám cho bệnh nhân lưu trú. Chúng tôi mong rằng trong thời gian sớm nhất, chính quyền các cấp, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để nâng cấp, xây dựng trạm đảm bảo theo các tiêu chí của ngành y tế. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân”.
Những vết nứt như thế này có nhiều ở các điểm tường.
Hệ thống cửa chính, cửa số đã bị hư hỏng, xuống cấp, phải vá víu tạm bợ.
Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất, đặc biệt là đối với địa phương vùng thượng xa trung tâm như xã Kỳ Sơn. Và những lo lắng, trăn trở, mong muốn của người dân cũng như các y, bác sỹ đối với Trạm Y tế xã Kỳ Sơn là hoàn toàn có cơ sở.
Không chỉ phần bê tông bị nứt vỡ mà các hạng mục bằng gỗ cũng bị hư hỏng nặng.
Thiết nghĩ, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình Trạm Y tế xã có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm góp phần nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ở tuyến cơ sở, đồng thời, giảm áp lực quá tải bệnh nhân cho tuyến trên.