Cảnh tượng khó tin ở Hàn Quốc

Bệnh viện Hàn Quốc tiếp tục rơi vào khủng hoảng vì sau khi bác sĩ đình công, đến lượt sinh viên và giáo sư đại học cũng rời trường.

Các bệnh viện Hàn Quốc thiếu bác sĩ trầm trọng, số người đình công đã lên đến hàng nghìn. Ảnh: Yonhap.
Các bệnh viện Hàn Quốc thiếu bác sĩ trầm trọng, số người đình công đã lên đến hàng nghìn. Ảnh: Yonhap.

Khi làn sóng đình công của các bác sĩ thực tập ở Hàn Quốc chưa hạ nhiệt, ngành y nước này lại gặp thêm nhiều rắc rối đến từ sinh viên và giảng viên trường y.

Không chấp nhận kế hoạch tuyển sinh của chính phủ, sinh viên, giảng viên và giáo sư trường y cũng thực hiện loạt hành động để thể hiện sự phản đối quyết liệt.

Sinh viên nghỉ học, bỏ lại áo blouse

Ngày 7/3, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông tin 5.425 sinh viên y khoa của nước này đã nộp đơn xin nghỉ học để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của chính phủ.

Cụ thể, những sinh viên này nộp đơn xin nghỉ kèm theo các tài liệu hợp lệ như chữ ký phụ huynh và chữ ký giảng viên. Tính đến tháng 4/2023, Hàn Quốc có hơn 18.700 sinh viên y. Số lượng sinh viên nghỉ học chiếm khoảng 28,9%, theo Yonhap.

Sinh viên một trường y ở Daegu nghỉ học, để lại áo blouse ở lớp. Ảnh: Yonhap.
Sinh viên một trường y ở Daegu nghỉ học, để lại áo blouse ở lớp. Ảnh: Yonhap.

Tuy nhiên, con số 28,9% này chỉ mới tính đến những trường hợp xin nghỉ học hợp lệ, con số thực tế còn cao hơn rất nhiều. Lý do là nhiều trường hợp tự ý xin nghỉ mà không có giấy tờ hợp lệ nên Bộ Giáo dục không tính những trường hợp đó là nghỉ học.

Nếu tính từ ngày 19/2 đến nay, tổng số sinh viên y nghỉ học (bao gồm có phép và không phép) là hơn 14.000 người. Con số này chiếm đến 74,7% tổng số sinh viên y hiện có của Hàn Quốc.

Nhưng dù có phép hay không, Bộ Giáo dục vẫn khẳng định những trường hợp này sẽ không được phê duyệt vì xin nghỉ không chính đáng. Đến nay, bộ vẫn chưa chấp thuận bất kỳ đơn xin nghỉ nào của sinh viên.

Nếu tình hình này tiếp tục diễn ra, nhiều sinh viên sẽ bị trượt môn hàng loạt vì các trường quy định sinh viên vắng mặt 1/3 hoặc 1/4 số tiết sẽ bị đánh trượt.

Để ngăn chặn vấn đề này, nhiều trường hoãn học kỳ mới từ tháng 2 sang đầu tháng ba. Thậm chí, một số nơi quyết định hoãn đến cuối tháng 3 vì chuyện sinh viên nghỉ học tập thể vẫn chưa có hồi kết.

Giáo sư từ chức

Không riêng sinh viên, giáo sư các trường y cũng có động thái phản đối kế hoạch của chính phủ.

Sau vụ giáo sư trường Y thuộc Đại học Quốc gia Kangwon cạo đầu tập thể, đến lượt các trưởng khoa ở trường Y thuộc Đại học Quốc gia Kyungpook từ chức tập thể "để chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình này".

Khi chính phủ đưa ra chính sách tăng số lượng tuyển sinh, nhóm trưởng khoa đã kịch liệt phản đối và bày tỏ quan điểm này trước hội đồng Đại học Quốc gia Kyungpook. Dù vậy, phía đại học vẫn quyết định nộp đơn lên bộ để xin tăng suất tuyển sinh từ 110 lên 250.

"Là nhà giáo dục, chúng tôi không thể bỏ qua cuộc khủng hoảng đang xảy ra, vì vậy chúng tôi quyết định từ chức", các trưởng khoa tuyên bố.

Theo chân đồng nghiệp, các giáo sư của Đại học Y khoa Ulsan cũng nộp đơn từ chức hôm 7/3, ngay trong cuộc họp khẩn với sự tham dự của 254 giáo sư đến từ 3 bệnh viện trực thuộc.

Các bệnh viện trực thuộc Đại học Y khoa Ulsan bao gồm Trung tâm Y tế Asan (một trong big 5 bệnh viện của Hàn Quốc), Bệnh viện Đại học Ulsan và Bệnh viện GangNeung Asan.

Cùng ngày, 9 trưởng khoa của trường Y thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc cũng nộp đơn từ chức, đồng thời nói rằng nếu nhà trường tăng chỉ tiêu theo chỉ thị của chính phủ, việc giảng dạy cho sinh viên sẽ không đảm bảo.

Giáo sư y khoa tại Đại học Quốc gia Kyungsang cũng nộp đơn từ chức. Trong khi đó, giáo sư Đại học Wonkwang và Đại học Yeungnam cảnh báo sẽ có hành động tập thể nếu các bác sĩ thực tập và sinh viên của trường bị ảnh hưởng từ vụ việc lần này.

Hội đồng giảng viên trường Y thuộc Đại học Quốc gia Seoul lại yêu cầu ông Kim Young-tae, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, từ chức vì đã gửi yêu cầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên Bộ Giáo dục mà không thông qua ý kiến của họ.

Trước sự xung đột ngày càng căng thẳng giữa chính phủ và ngành y tế, Hiệu trưởng Kim Jeong-eun của Đại học Y khoa thuộc Đại học Quốc gia Seoul gửi email kêu gọi các giáo sư, giảng viên bình tĩnh tham gia một buổi thảo luận với công chúng, thay vì đột ngột từ chức để tránh gây hoang mang dư luận.

Do thiếu nhân lực, y tá phải kiêm luôn vai trò của bác sĩ. Ảnh: Yonhap.
Do thiếu nhân lực, y tá phải kiêm luôn vai trò của bác sĩ. Ảnh: Yonhap.

Cơn khủng hoảng bao trùm bệnh viện

Trong bối cảnh hàng nghìn bác sĩ thực tập đình công, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc quyết định cho phép y tá thực hiện một số vai trò của bác sĩ kể từ ngày 8/3.

Hướng dẫn này của bộ quy định cụ thể về trình độ chuyên môn và phạm vi công việc của y tá, tùy thuộc theo kỹ năng và trình độ chuyên môn của từng người.

Hiện, các y tá được chia thành 3 nhóm là y tá chuyên nghiệp, y tá toàn thời gian và y tá đa khoa.

Y tá chuyên nghiệp có thể thực hiện đặt và rút ống nội khí quản cho bệnh nhân nguy kịch. Họ cũng được phép soạn thảo giấy cam kết phẫu thuật cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, tất cả y tá cũng được trang bị kỹ năng để thực hiện hồi sức tim phổi và tiêm thuốc cho những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Khi Bộ Y tế đưa ra quyết định này, cộng đồng y tá trong nước đưa ra những quan điểm trái chiều.

Hiệp hội Y tá Hàn Quốc hoan nghênh ý tưởng này của bộ vì có thể đảm bảo phân công công việc đúng cách cho các y tá, đồng thời giải quyết những khó khăn trước mắt vì thiếu bác sĩ.

Tuy nhiên, một số người chỉ ra rằng việc chia việc của bác sĩ cho y tá chỉ làm tăng gánh nặng cho họ vì công việc của y tá vốn đã rất vất vả trong giai đoạn bác sĩ thực tập đình công.

Ngoài ra, việc y tá đảm nhận công việc bác sĩ vẫn là bất hợp pháp theo luật hiện hành ở Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là nếu tai nạn y tế thực sự xảy ra, y tá sẽ không được pháp luật bảo vệ.

"Y tá không phải bác sĩ. Nếu tai nạn xảy ra, y tá và người đứng đầu cơ sở y tế sẽ bị kiện chung. Ngày nào luật chưa được sửa đổi, ngày đó các y tá vẫn phải lo lắng về những trách nhiệm pháp lý đang gánh trên vai", ông Park Min-sook, Phó chủ tịch Liên đoàn Nhân viên Y tế Hàn Quốc, nhấn mạnh.

Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?

lifestyle.zingnews.vn

Đọc thêm

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Ngày 7/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin xác nhận nước này đã phát hiện các ca nhiễm virus human metapneumovirus (HMPV), song khẳng định với người dân rằng căn bệnh này không nguy hiểm.