Dù không được sử dụng để cắt lúa như trước, người nông dân vẫn cần liềm để cắt cỏ nên nghề cắt chấu liềm vẫn còn "đất sống". Những chiếc liềm đưa đến cắt chấu sẽ được ghi tên chủ nhân, nhu cầu chỉnh sửa vào cán và hẹn ngày lấy.
Để cắt lại chấu liềm, đầu tiên người thợ phải nung đỏ để liềm mềm, gọi là làm xẹp liềm.
Khi lưỡi liềm đỏ rực như than thì bằng kinh nghiệm, người thợ sẽ căn được độ nóng vừa phải để liềm đạt được độ mềm như mong muốn và dừng lại.
Đợi liềm nguội một chút, người ta dùng búa nắn cho thân liềm thẳng. Đối với những cái liềm bị gãy mũi hoặc mòn tù thì người thợ sẽ dùng kéo chuyên dụng cắt lại.
Kế đến, người thợ sẽ dùng dao chuyên dụng để cắt chấu. Đây được coi là khâu quan trọng, đòi hỏi tay nghề lão luyện mới cắt được những răng chấu sắc và đều nhau.
Sau khi cắt chấu xong là công đoạn tôi liềm
... đây được coi là công đoạn quan trọng nhất, có tính quyết định trong cả quá trình cắt lại chấu liềm
Ông Lê Văn Chương - người có kinh nghiệm 25 năm cắt chấu liềm ở tổ dân phố Tuần Cầu - phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) cho biết: "Nếu như khâu đầu tiên người thợ phải nung đỏ cho lưỡi liềm mềm thì khâu cuối cùng lại là làm cho lưỡi liềm cứng lại bằng cách hơ trên lò than cho hồng rực. Người thợ cũng sẽ căn độ nóng bằng kinh nghiệm của mình rồi sau đó lấy ra nhúng liềm vào chậu nước để đạt được độ cứng như mong muốn"
Ngoài việc cắt chấu, nhiều người còn kiêm cả việc sửa lại cán liềm...
Để làm lại cán, đầu tiên người thợ sẽ cắt khuy từ 1 tấm nhôm mỏng...
...rồi dùng đồ nghề chuyên dụng để nắn tròn khuy cán
...sau đó sẽ đơm khuy vào cán gỗ đã làm sẵn
...và nêm lưỡi liềm vào
Mỗi chiếc liềm nếu cả công cắt chấu lẫn làm lại cán sẽ có giá từ 12 - 15 nghìn đồng tuỳ địa phương. Mỗi tháng nếu làm liên tục thì người thợ cắt chấu cũng kiếm thêm cho gia đình một khoản thu nhập khá... Chính vì vậy, nghề cắt chấu liềm dẫu không còn phổ biến nhưng vẫn được duy trì ở một số vùng quê.