Nghề nào cũng đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật
Những làng nghề gắn với các sản phẩm từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh như: Nghi Xuân có nghề làm nón (Tiên Điền), vắt nồi đất (Cổ Đạm), mộc (Đan Phổ); Kỳ Anh có nghề làm nón, chế biến nước mắm, đúc lưỡi cày; Hương Sơn có nghề dệt thảm; Đức Thọ có nghề mộc (Thái Yên), làm bún (thị trấn), ươm tơ dệt lụa (Châu Phong); Can Lộc có nghề dệt vải, dệt võng (Trường Lưu); TX Hồng Lĩnh có nghề rèn đúc ở Trung Lương, Vân Chàng; Thạch Hà có nghề đan (Thạch Long, Thạch Sơn), làm nón (Phù Việt), kim hoàn (Thạch Trị), đúc đồng (Thạch Lâm)... Bắt rễ từ cuộc sống, kết tinh được trí tuệ, tâm hồn, mong ước của nhân dân nên những sản phẩm từ các nghề truyền thống không những có giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt văn hóa.
Làng nón Đan Du, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Sản phẩm của bất cứ nghề nào, thuộc lĩnh vực gì cũng không chỉ đòi hỏi sự tài hoa, sáng tạo mà yêu cầu đối với người thợ chính là kinh nghiệm, sự chính xác cao. Chẳng hạn, nghề đúc lưỡi cày, quá trình tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh với tỷ lệ bao nhiêu gang, bao nhiêu sắt, lựa chọn than đốt lò, sét làm khuôn... đều phải đạt tiêu chuẩn. Một người thợ giỏi đổ mẻ gang phải được 20-25 cái, tỷ lệ hỏng cho phép nếu làm 10 thì chỉ hỏng 1-2 cái. Lưỡi cày đúc càng mỏng càng tốt nhưng phải sắc cạnh, sắc rãnh để cày nhẹ, lâu mòn... Nghề đúc lưỡi cày giúp người dân cải thiện thu nhập. Sau này, nhiều xưởng đúc lưỡi cày trở thành xưởng quân khí phục vụ kháng chiến. Ngày nay, sản xuất nông nghiệp đã có máy móc thay thế, song một số địa bàn miền núi hoặc địa hình hẹp, máy móc không thể “tác nghiệp” thì người dân vẫn dùng sức kéo gia súc, đi kèm với lưỡi cày, lưỡi bừa.
Ở làng Đan Chế xưa (nay là xã Thạch Long, Thạch Hà) có nghề đan - gần như là nghề chính bên cạnh nghề nông. Cho đến nay, sản phẩm nghề đan (thúng, mủng, dần, sàng...) của làng vẫn được thị trường ưa chuộng. Để có sản phẩm bền, đẹp, nguyên liệu đan phải là tre và mây (mây phải là mây tắt - mây vườn nhà). Tre phải tuyển chặt chẽ. Lóng tre phải dài, không non, không già để chẻ cật tre, nan tre chuốt sẵn sao cho trơn bóng, kích cỡ to, nhỏ tùy vào loại sản phẩm.
Chẳng hạn đan thúng thì bản nan khoảng 4-5 mm còn nếu đan dần thì bản nan khoảng 1 mm. Tùy yêu cầu sản phẩm mà có thể đan “lồng mốt” hoặc “lồng hai”. Khó nhất trong đan vẫn là khâu lận vành nên mới có câu “Đèn có khêu mới rạng/ Nống có lận mới tròn”. Sau khi lận vành xong thì đến khâu nức vành. Muốn nức vành đạt chuẩn thường phải dùng một cái dui nhỏ (que sắt nhọn) đâm từng lỗ vào nống hoặc vào thúng dưới chỗ sát ngay vành, rồi dùng mây xâu lại từng vòng, siết chặt vành với thúng, nống. Việc xoắn vòng phải chặt để vành ôm được thúng, nống tròn trịa thì sản phẩm mới đẹp, bền. Với sự kỳ công, tỉ mỉ như vậy nên mỗi ngày, nếu đan nhanh, tập trung thời gian nhiều thì cũng chỉ được 1-2 sản phẩm, tùy kích cỡ.
Hiện nay, dù đã có nhiều sản phẩm công nghiệp đồ nhựa, đồ gỗ thay thế, song sản phẩm từ làng đan các xã ở Thạch Hà và nhiều vùng trên toàn tỉnh vẫn bán hết. Nghề đan vẫn được tiếp nối, nuôi sống và cải thiện thu nhập cho người dân các địa phương bên cạnh nghề nông.
Hình thành tục ngữ, thành ngữ gắn với từng nghề
Ở vùng Đức Thọ, kéo sợi, dệt vải, ươm tơ, dệt lụa là nghề phụ trong gia đình người nông dân và là nghề chính của phụ nữ các làng xã như: Yên Hồ, Tùng Ảnh... với rất nhiều bài ca, bài vè về nghề bông vải, tơ lụa, may. Có bài kể “Xa quay sắm sửa đủ đồ - nào buồm, nào lắc, nào bù (bầu), nào trân”. Đối với các cô gái bước vào nghề dệt đều phải học bài học vỡ lòng khi bước vào nghề: “Kể từ thoi, sót kể đi/ Đồ dùng kể hết thiếu gì trên không (khung)”.
Đối với người làm nghề may thì kinh nghiệm trước tiên là phải biết cách chọn vải, chọn lụa: “Lụa tốt coi biên, người hiền coi tướng”. Biên là mép chạy suốt chiều dài của xấp lụa ở 2 đầu của khổ lụa được dệt thật chắc để các sợi ngang, sợi dọc không tuột ra được. Khi may bao giờ cũng phải tuân thủ: “Con nít may ra, mụ tra may vào” vì trẻ con đang lớn phải may dài rộng, người già may sát vào do ngày càng gầy đi...
Nghề rèn Trung Lương (TX. Hồng Lĩnh). Ảnh: Vũ Huyền
Thợ mộc, thợ tre ở các vùng trong cả tỉnh cũng có kinh nghiệm “tre ngâm khô, gỗ ngâm tươi” sẽ đem lại độ bền, chắc, dễ cưa xẻ. Khi pha tre nứa đảm bảo không bị ngược chiều, đỡ hỏng vật liệu thì cứ theo kinh nghiệm “Sơn lâm chẻ ngược, vườn tược chẻ xuôi”, nghĩa là tre rừng thì chẻ ngược mà tre vườn thì chẻ xuôi. Đối với người thợ làm nhà thì khi làm bất kỳ tre, gỗ cũng đúc rút kinh nghiệm dựng nhà theo nguyên tắc “Thượng thu hạ thách” - đó là sự sắp xếp, tính toán các cột, bẩy, đấu, rui, xà... phân chia công năng, chịu lực của các bộ phận trên cơ sở hiểu rõ đặc tính của vật liệu, từng vị trí để tạo nên bộ khung vững chắc cho căn nhà phù hợp với điều kiện khí hậu, kinh tế. Hay nghề mộc, nghề xây đều biết “mộc gia, nề giảm”, nghĩa là làm đồ mộc phải cắt gỗ già hơn một chút, đo lại cắt bớt cho vừa, không sợ hụt. Còn khi xây tường (ở cửa) thì đắp non một chút, sau đắp thêm cho vừa không phải đập, phá xây lại.
Nghề đan lát cũng cần biết chọn vật liệu cho từng loại sản phẩm “Dần giang, tràng (sàng) ná (nứa), rá trảy (một loại tre nhỏ)”. Mây để nống vành đòi hỏi phải mây nhà (tắt) bền, dai, còn mây rừng giòn, dễ gãy. Khi đan thì đan lồng mốt đơn giản hơn đan lồng đôi nên mới có câu: “Khéo lồng mốt, dốt lồng đôi”. Đan nia, mẹt phải thuộc công thức “Cất năm đè một, cứ lốt mà theo”, còn đan nong thì “Cất tứ, cất nhị, đè ba, lỗi thì tháo ra đan lại”. Lát (tát) mất công hơn đan: “Đan một lát, tát một ngay”... Ngoài ra, ở các vùng Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh... có sông, biển thuận lợi phát triển các nghề đánh cá, đóng đăng, đáy, chế biến nước mắm, ruốc, làm muối nên kinh nghiệm đánh bắt, chế biến, cất trữ được người dân thuộc lòng.
Nên khuyến khích phát triển nghề
Sự hình thành, phát triển của các ngành nghề đánh dấu sự tiến bộ về trình độ, tư duy của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử, từ chỗ chỉ sử dụng những sản phẩm có sẵn trong tự nhiên sang biết chế tác ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống. Song song với quá trình đó là sự phát triển các kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Dù cơ chế thị trường tác động đã làm thay đổi phương thức, nhiều nghề đã không đủ điều kiện tồn tại... song cũng không ít nghề vẫn đứng vững, vận dụng, kế thừa, phát huy kinh nghiệm cha ông để đổi mới, mở rộng quy mô sản xuất một cách hiệu quả. Những chính sách của tỉnh cần tập trung khuyến khích, khôi phục, tạo điều kiện cho các nghề thủ công truyền thống phát triển, không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn truyền giữ giá trị văn hóa tinh thần quý báu của dân tộc cho đời sau.