Sau nhiều năm sản xuất nhưng hiệu quả kinh tế thấp, năm 2021, bà Nguyễn Thị Liên (SN 1969, trú tại thôn Vực Rồng, xã Sơn Tiến) quyết định chặt bỏ hàng trăm cây tràm trên diện tích 2.500m2 để trồng cây trện. Bà Liên cho biết, trện là loại cây hoang dã rất dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng tràm. Sau 1 năm trồng, cây trện cho thu hoạch, phần ngọn dùng để chế biến tinh dầu với công dụng trị mệt mỏi, cảm cúm, đau nhức, điều hòa kinh nguyệt cho phụ nữ, còn phần gốc dùng làm chổi quét sân hoặc bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc.
Còn với bà Đinh Thị Hợi (SN 1971, trú tại thôn Đức Vừ, xã Sơn Lễ), đã chặt bỏ diện tích trồng tràm để chuyển sang trện cách đây tròn 20 năm (2003).
Sau khoảng 10 phút bà Bà Đinh Thị Hợi (thôn Đức Vừ, xã Sơn Lễ) dùng liềm cắt xong khoảng 5kg trện tươi
Bà Hợi cho biết, thời điểm đó, giá cây trện rất cao, lên đến 26.000 đồng/kg trện khô (mỗi kg trện tươi được 0,5kg trện khô) nên tôi thuê người chặt gần 2 ha tràm, để cây trện phát triển. Cây trện mọc tự nhiên ở rú (núi) Lều thuộc sở hữu của gia đình, thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu. Nhiều năm lại nay, nhu cầu tiêu thụ lớn nên thu hoạch đến đâu thương lái ở thị trấn Phố Châu đến tận nhà thu mua hết, không bao giờ bị ứ đọng hàng.
Bà Hợi là 1 trong số 10 hộ dân ở thôn Đức Vừ, xã Sơn Lễ có thu nhập chủ yếu từ việc bán cây trện và là hộ có diện tích lớn nhất với 2 ha, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 80 triệu đồng.
Theo người dân, trện tự nhiên hay trện trồng là loài cây khá dễ tính, nắng nóng hay mưa nhiều vẫn sống bình thường, không bị sâu bệnh phá hại, nhưng nếu muốn tăng năng suất, sản lượng cần nhổ cỏ và bón phân lân cho cây trện. Đối với trện tự nhiên mọc ở vùng đất đồi núi hoặc trồng trong vườn nhà, bà con tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ dễ làm cây trện bị chết, đặc biệt là không bón đạm u-rê bởi sẽ khiến nhiều loại sâu bệnh xuất hiện, ăn sạch lá, cây không phát triển được.
Người dân thu hoạch trện thuê được trả công 250 ngàn đồng/ngày.
Mỗi năm trện cho thu hoạch 2 lần vào khoảng tháng 3 và tháng 6, khi thân cây đạt từ 70cm - 1m. Tuy nhiên, chỉ thu hoạch trện vào những ngày nắng hoặc không mưa. Bởi thu hoạch trời mưa, phần ngọn sẽ không còn tinh dầu, còn phần thân ngả màu đen thương lái cũng không mua. Thế nên, người trồng, thu hoạch trện luôn tâm niệm “ướt người hơn ướt trện”.
Mùa thu hoạch, ông Đinh Nho Dần (thôn Côn Sơn, xã Sơn Tiến) phải thuê 5 lao động cắt trện
Nhiều năm nay, cây trện được coi là loài cây xoá đói giảm nghèo trên vùng đất đồi ở Hương Sơn. Hiện trên địa bàn huyện có 3 xã (165 hộ) sản xuất khoảng 170 ha cây trện tự nhiên (chủ yếu là đất đồi núi) và khoảng 20 ha trện trồng. Trong đó, xã Sơn Lễ có 10 hộ, diện tích hơn 4 ha; Sơn Tiến có hơn 80 ha, với hơn 100 hộ, tập trung nhiều tại khu vực rú Đồng Hợi (thôn Côn Sơn); An Hoà Thịnh có 45 hộ ở thôn Tân Thịnh chuyên chăm sóc, khai thác trện tự nhiên rộng hơn 100 ha ở núi Thiên Nhẫn.
Theo Chủ tịch Hội nông dân Sơn Tiến Phan Xuân Huy, cây trện ở Sơn Tiến chủ yếu là trện tự nhiên, dễ bán, thu nhập quanh năm. Hạt và hoa trện bán để làm tinh dầu, với giá 10.000 đồng/kg, được thương lái ở xã và từ Nghệ An vào thu mua, sau đó tiếp tục vận chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố khác; giá thân trện ở thời điểm cao nhất là 2.600 đồng/kg (hiện giảm còn 1.500 đồng/kg). Do không cần đầu tư nhiều, lại dễ bán nên tính chung thu nhập thì vẫn khá hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Hiệu quả kinh tế khá cao nên cây trện được bà con xã Sơn Tiến mang về trồng trong vườn nhà
Còn ở xã An Hòa Thịnh, khu vực núi Thiên Nhẫn được giao khoán bảo vệ rừng cho 45 hộ dân thôn Tân Thịnh (hộ ít 0,5 ha, hộ nhiều 3 - 4 ha), bà con đã tận dụng cây trện mọc tự nhiên để khai thác, tăng cao thu nhập. Chủ tịch UBND xã An Hoà Thịnh Nguyễn Hữu Đông cho biết, hiện nay, thu nhập trung bình của mỗi ha trện đạt khoảng 30 triệu đồng/năm. Người dân không phải trồng, chỉ cần làm cỏ, bón phân rồi thu hoạch. Dù trên địa bàn không có cơ sở thu mua tập trung, song các đại lý ở các xã khác đến tận nhà thu mua nên rất thuận lợi.