Chấm dứt tình trạng xuống giống ngoài cơ cấu và trước lịch thời vụ!

(Baohatinh.vn) - Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, vụ xuân 2016, có ít nhất gần 10 ha mạ sử dụng giống lúa ngoài cơ cấu và gieo trước lịch thời vụ, trong đó, có loại giống thoái hóa đã được ngành chuyên môn loại ra khỏi cơ cấu cách đây vài năm. PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT để tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết tồn tại trên.

Chấm dứt tình trạng xuống giống ngoài cơ cấu và trước lịch thời vụ! ảnh 1

Không muốn thay đổi tập quán, một số gia đình ở Tân Lộc (Lộc Hà) vẫn trung thành với giống lúa IR 1820 nhiều năm nay. Ảnh: Tuệ Anh

- Mặc dù không được cơ cấu, vụ xuân 2016, một số địa phương tại Nghi Xuân, Lộc Hà và Can Lộc vẫn bắc mạ trà giống xuân sớm (IR 1820). Xin ông cho biết quan điểm của ngành về vấn đề này?

Theo điều tra của Sở NN&PTNT và các phòng chuyên môn ở các địa phương thì đến vụ xuân 2016, toàn tỉnh vẫn có 2,2 ha mạ trà xuân sớm với giống IR 1820 (quy đổi diện tích cấy là 22 ha). Số diện tích này xảy ra cục bộ, tập trung ở các địa phương: Xuân Hội, Xuân Trường, Xuân An, Xuân Giang (Nghi Xuân); Phù Lưu, Mai Phụ, Thịnh Lộc, Tân Lộc (Lộc Hà); Quang Lộc, Xuân Lộc, thị trấn Can Lộc (Can Lộc).

Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền sở tại đã buông lỏng kéo dài và thiếu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước cũng như chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Ngoài đề án sản xuất chung của tỉnh, mỗi địa phương phải xây dựng được đề án của từng vùng, thậm chí, từng thôn, xóm. Đặc biệt là vấn đề chuyển đổi cơ cấu, bố trí cây, con phù hợp với vùng khó sản xuất lúa. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì nhiều nơi vẫn còn quá rập khuôn, máy móc.

Chủ trương của tỉnh là không khuyến cáo tiếp tục sản xuất IR 1820. Trong đề án sản xuất vụ xuân 2016, tỉnh định hướng rất rõ các khung cơ cấu, bao gồm nhóm chủ lực (Thiên ưu 8, HT1, N98, N87, Bắc thơm 7, PC6, P6; lúa lai: Nhị ưu 838, BTE1, TH3-3, TH3-5); nhóm đặc thù (KD 18, XM 12, KD đột biến và Xi 23) và nhóm sản xuất thử. Để đảm bảo cơ cấu thời vụ, các địa phương phải thực sự bám sát sản xuất, linh hoạt trong công tác chỉ đạo. Thời gian sản xuất vụ xuân vừa mới bắt đầu, các địa phương còn để xảy ra tình trạng không tuân thủ cơ cấu thời vụ của tỉnh cần gấp rút bổ cứu sản xuất; tuyên truyền, vận động bà con nông dân phá bỏ diện tích đã bắc mạ, bổ sung các loại giống ngắn ngày thay thế. Đồng thời, các huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi thực hiện mô hình sản xuất các giống lúa năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân.

- Ngành chuyên môn có khuyến cáo gì đối với khung lịch năm nay không, thưa ông?

Như chúng tôi đã khuyến cáo, vụ xuân 2016 được xác định là vụ xuân khó với nền nhiệt cao, diễn biến khí hậu khó lường. Vì vậy, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu vụ, chuyển đổi mùa vụ từ đông xuân sang vụ xuân nhằm đối phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Tùy thời gian sinh trưởng của từng giống để gieo mạ trong khung thời vụ phù hợp. Những vùng đất xấu, trình độ thâm canh của người dân còn hạn chế thì đưa vào gieo cấy đầu lịch thời vụ; những vùng thâm canh, ưu tiên vào cuối khung lịch. Cần linh hoạt trong việc sử dụng nilon che phủ mạ. Nếu mạ sinh trưởng kém và thời tiết ấm, nhiệt độ ổn định trên 150C thì trước khi cấy 5-7 ngày, có thể dùng 60-80 gram urê hòa với nước tưới cho 10 m2 mạ, thúc mạ sinh trưởng tốt. Dự phòng 5-10% diện tích mạ bằng các giống ngắn ngày (PC6, P6 ĐB, XM 12, TH3-3) để đảm bảo an toàn, chủ động sản xuất trong điều kiện thời tiết bất thuận. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ làm đất, thủy lợi nội đồng, đắp bờ giữ nước; chủ động theo dõi các đối tượng sâu bệnh.

- Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast