Lúa xuân trổ sớm, đề phòng bệnh đạo ôn cổ bông hoành hành!

(Baohatinh.vn) - Lúa xuân ở Hà Tĩnh đang bước vào đợt trổ bông tập trung, tuy nhiên, thời tiết diễn biến thất thường hiện nay là “mồi lửa” cho bệnh đạo ôn cổ bông gây hại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lúa xuân trổ sớm 7 - 10 ngày

Thời điểm này, hơn 6.000 ha (khoảng 90% diện tích) lúa xuân của huyện Đức Thọ đang bước vào giai đoạn trổ bông. Tuy nhiên, theo điều tra của ngành chuyên môn, bệnh đạo ôn cổ bông đã xâm nhiễm và gây hại làm bông bạc với tỷ lệ rải rác, nơi cao 3 - 5% trên giống P6 ở các xã Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân, Tân Dân…

Điều đáng nói, một số diện tích trổ sớm, trùng vào các đợt dự báo thời tiết diễn biến thất thường, nắng mưa xen kẽ, sáng sớm có sương mù cùng mầm bệnh sẵn có trên đồng ruộng đã trở thành "mồi lửa" cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh.

IMG_0003.jpg
Hơn 6.000 ha lúa xuân của huyện Đức Thọ đã trổ bông, sớm hơn khung lịch thời vụ 7 - 10 ngày.

Bà Trần Thị Nhị (thôn Lộc Phúc, xã Tân Dân, Đức Thọ) chia sẻ: “Vụ này tôi gieo cấy 8 sào lúa, chủ yếu là P6, VRN20, Thái Xuyên 111. Một số diện tích P6 đã thấy vết bệnh đạo ôn cổ bông ở những vùng trước đây nhiễm đạo ôn lá. Đợt này lại hay có mưa vào sáng sớm khiến bệnh xâm nhiễm rộng hơn. Tôi đang "đon" thời điểm để tiến hành phun phòng lần 2”.

Theo ông Lê Xuân Thọ - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ, một số diện tích lúa xuân của huyện trổ sớm hơn lịch thời vụ 7 - 10 ngày, chủ yếu là các giống BT09, Lai thơm 6, Hương Bình… gặp thời tiết bất thuận, nguy cơ đạo ôn cổ bông gây hại là rất cao. Huyện đã có văn bản đôn đốc người dân tập trung phòng trừ, đặc biệt là trên các giống nhiễm đạo ôn lá như P6, VRN20, Thái Xuyên 111, Thiên ưu 8, Hương Bình, Hana 7... Đối với những diện tích trổ đã phun lần 1, bà con theo dõi để phun nhắc lại lần 2 sau từ 5 - 7 ngày.

IMG_8415.jpg
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) kiểm tra tiến độ lúa trổ tại các địa phương.

Tại huyện Cẩm Xuyên, khoảng 7.000 ha lúa xuân (trên 75% diện tích) trổ tập trung từ ngày 15 - 25/4. Toàn bộ diện tích này đang vào “tầm ngắm” của đạo ôn cổ bông.

Bà Phan Thị Hinh (thôn Yên Thành, xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Gia đình tôi gieo cấy gần 1,2 mẫu ruộng. Qua thăm đồng, nhiều diện tích lúa ADI 168 đã trổ sớm hơn so với thời vụ khoảng 4 - 5 ngày. Chúng tôi rất lo lắng bệnh đạo ôn cổ bông khả năng phát triển mạnh vào thời điểm này, kết hợp với tình trạng lúa trổ sớm có thể làm giảm năng suất cuối vụ”.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, nhiệt độ trung bình 3 tháng đầu năm nay cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,5 - 1,6 độ C khiến lúa vụ xuân trổ sớm hơn so với lịch thời vụ từ 7 - 10 ngày.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 25.000 ha lúa đã trổ bông, tập trung tại các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ, Thạch Hà… Nhiều diện lúa trổ sớm trùng vào các đợt không khí lạnh cuối vụ, cộng hưởng với mầm bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ lá có sẵn trên đồng ruộng khiến cho bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng bùng phát, gây hại, ảnh hưởng đến công tác phòng trừ của người dân.

Đề phòng nhóm giống mẫn cảm, vùng dịch cũ

Hiện nay, bệnh đạo ôn cổ bông đã xuất hiện và gây hại trên giống N24, XT28, Thái Xuyên 111, TH998, Hà Phát 3... phân bố tại huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc tỉ lệ trung bình 3 - 5%, nơi cao 5 - 7%, cục bộ 20 - 25% với tổng diện tích nhiễm 6,7 ha.

Dự báo từ nay đến cuối tháng 4 nền nhiệt độ không cao, hướng gió chủ đạo là hướng Đông Nam, Đông và Đông Bắc tạo nên hình thái thời tiết khá nhiều mây, một số ngày có mưa, nhiệt độ có thời điểm 23 - 25 độ C, độ ẩm cao (trên 90%) về đêm và sáng sớm. Đây là những yếu tố thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục phát sinh, phát triển và có nguy cơ gây thiệt hại đối với năng suất, sản lượng lúa.

z5358906724471_2d249d51a93f40a547d550bfc2481e31.jpg
Vết bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa xuân tại huyện Đức Thọ.

Trước dự báo của ngành chuyên môn, tại "vựa lúa" huyện Cẩm Xuyên, công tác phòng trừ đạo ôn cổ bông đang được các cấp chính quyền và người dân quan tâm. Ngành chuyên môn khuyến cáo, những địa phương là “rốn” của bệnh đạo ôn cổ bông như các xã: Cẩm Hưng, Cẩm Dương, Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng… cần theo dõi, thăm đồng thường xuyên.

Ông Phan Thanh Nghi - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Trung tâm tăng cường phổ biến thông tin về tình hình thời tiết và khả năng phát sinh gây hại của bệnh đạo ôn cổ bông thời kỳ lúa trổ để phun phòng bệnh đúng thời điểm (khi ruộng lúa trổ 1 - 3%). Theo đó, trà lúa trổ sau ngày 15 - 25/4 tiến hành phun phòng lần 1 từ ngày 15/4; trà lúa trổ sau ngày 25/4 tiến hành phun phòng lần 1 từ ngày 25/4”.

z5364241755359_8dcb67596f78ec490d4386dfbce1a1d5.jpg
Bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên để theo dõi diễn tiến của bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa.

Đề phòng bệnh đạo ôn cổ bông, Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa ban hành công điện yêu cầu các địa phương thành lập tổ công tác trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ bà con tổ chức phòng trừ bệnh kịp thời, hiệu quả, tuyệt đối không giấu dịch.

Cùng với đó, tăng cường giám sát đồng ruộng, kịp thời kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng sinh thái, từng giống để có các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh.

Đặc biệt, chú trọng trên các diện tích gieo cấy các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như: VNR20, Thái Xuyên 111, ADI 168, Hương Bình, P6, XT28...; các vùng thường nhiễm bệnh: ven biển các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh; các xã Bùi La Nhân, Lâm Trung Thủy (Đức Thọ); Cẩm Lạc, Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng, Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên); Trung Lộc, Tùng Lộc, Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc); Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà); Tân Mỹ Hà, An Hòa Thịnh (Hương Sơn); Kỳ Văn, Kỳ Thọ (Kỳ Anh) và các diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast