Hà Tĩnh lo sớm, phòng xa hỏa hoạn cháy rừng mùa nắng nóng

(Baohatinh.vn) - Các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đã được các đơn vị, địa phương ở Hà Tĩnh triển khai bài bản với tinh thần “phòng là chính”.

Vườn Quốc gia Vũ Quang được giao quản lý, bảo vệ 57.030 ha rừng và đất lâm nghiệp nằm trên địa bàn 3 huyện miền núi phía Tây. Vì trong lâm phần có nhiều tiểu khu dễ cháy như: 160, 158, 146A, 139A, 142, 149A, 149B (Vũ Quang); 74, 75, 76, 77 (Hương Sơn); 181, 191A, 191B, 192 (Hương Khê)... nên công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được quan tâm đặc biệt. Ngay đầu mùa nắng nóng, đơn vị hoàn chỉnh phương án, kế hoạch PCCCR, xây dựng các tình huống giả định cháy rừng phức tạp...

1 - Copy.jpg
Cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang phát dọn thực bì tại các vùng rừng dễ cháy.

Để bảo vệ mái nhà chung cho các loài động vật, lãnh đạo Vườn Quốc gia Vũ Quang đã điều động 30% cán bộ văn phòng xuống địa bàn hỗ trợ tổ chức tuần tra, canh gác những vùng trọng điểm cháy 24/24h. Đơn vị này cũng tập trung tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân ven rừng nâng cao ý thức PCCCR; ra quân phát đường băng cản lửa, dọn thực bì, giảm vật liệu cháy, giảm độ khô, quản lý nguồn lửa; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ người vào vùng lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang, đập Đá Hàn, các tuyến đường vào rừng, những khu vực giáp ranh...

DSC_3586 - Copy.JPG
Cán bộ Kiểm lâm huyện Vũ Quang chuẩn bị bản đồ, biển báo, loa cầm tay... để thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền PCCCR.

Ông Thái Cảnh Toàn - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành công tác chuẩn bị, bố trí 810 triệu đồng mua sắm trang thiết bị và thực hiện các phần việc cần thiết. Ngoài 93 người trong các tổ xung kích của đơn vị, chúng tôi phối hợp huy động thêm lực lượng của 13 xã, thị trấn, các lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự, biên phòng. Về phương tiện, chúng tôi chuẩn bị đủ máy thổi gió, cưa xăng, máy cắt thực bì, 2 ô tô, 5 xe máy, 3 xuồng cao tốc, 2 thuyền lớn, 2.000 lít xăng dầu. Đơn vị cũng đã làm xong 4km đường băng cản lửa, nâng cấp nhiều chòi canh, biển báo...”.

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh lên chòi quan sát cháy rừng.

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh lên chòi quan sát cháy rừng.

Mùa nắng nóng bắt đầu cũng là lúc người dân và các chủ rừng lớn trên địa bàn Hà Tĩnh hoàn tất công tác chuẩn bị PCCCR. Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A và các chủ rừng lớn khác đã hoàn thành chi tiết kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR, bố trí kinh phí để mua sắm trang thiết bị và xây dựng các công trình phòng cháy, cắt cử lực lượng theo dõi sát sao tình hình.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho biết: “Đến thời điểm này, đơn vị đã thực hiện xong các phần việc chuẩn bị và bắt đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ PCCCR. Từ phương án, chỉ huy, lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần... đều đã sẵn sàng nhằm bảo vệ an toàn cho 20.315 ha rừng được giao, trong đó có 21 tiểu khu thuộc vùng trọng điểm dễ cháy”.

DSC_3321 - Copy.JPG
Những biển cảnh báo "cấm lửa" cuối cùng trong kho được kiểm lâm Hương Khê mang đi để lắp đặt.

Với chức trách và nhiệm vụ được giao, hạt kiểm lâm các huyện cũng vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm. Ông Nguyễn Mạnh Tài – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê cho biết: “Để bảo vệ 100.172 ha rừng trong điều kiện khí hậu nắng nóng cực đoan, áp lực phát triển KT-XH lên rừng ngày càng tăng, chúng tôi đã chủ động vào cuộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đơn vị đã tham mưu UBND huyện xây dựng và triển khai các biện pháp PCCCR sát thực tế, linh hoạt; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng tốt nhất; tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, PCCCR; tu sửa, xây dựng các công trình phòng cháy”.

DSC_0474 - Copy.JPG
Cán bộ Kiểm lâm huyện Lộc Hà chuẩn bị văn bản, tài liệu, bản cam kết... phục vụ tuyên truyền PCCCR tại các trường học.

Ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho biết: “Toàn tỉnh có 359.366 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 130.000 ha rừng dễ cháy (trồng thông, keo, bạch đàn và rừng tự nhiên nghèo kiệt nhiều tre, nứa, lau sậy) ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh... Lực lượng kiểm lâm đã tham mưu, hướng dẫn các địa phương có rừng xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và tổ chức triển khai các hoạt động PCCCR nghiêm túc, hiệu quả ngay từ đầu mùa nắng nóng. Ngoài lực lượng tại chỗ của các địa phương, đơn vị cũng đã tham mưu tỉnh phương án huy động 500 người, 16 xe ô tô cùng nhiều dụng cụ, trang bị khác để sắn sàng cho các đám cháy lớn”.

Cũng theo ông Phan Thanh Tùng, để nâng cao hiệu quả PCCCR, ngành đang chuẩn bị lắp đặt thêm 6 camera (hiện đã lắp 3 cái) có bán kính quan sát từ 7 – 10 km, có thể quay 360 độ để phục vụ việc phát hiện cháy rừng từ sớm qua hệ thống màn hình theo dõi và điện thoại di động. Đồng thời, sẵn sàng đưa vào sử dụng 2 flycam để quan sát địa hình, địa vật, hướng đám cháy... phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo dập lửa trong các vụ cháy lớn.

Chủ đề Cháy rừng ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.