Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đạt 52,2 điểm trong tháng 11. (Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Hà Tĩnh)
Theo IHS Markit - công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số PMI, tại Việt Nam, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ hai liên tiếp khi các hạn chế do đại dịch trong những tháng gần đây đã thúc đẩy nhu cầu trong lĩnh vực sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng, nhưng mức tăng vẫn khiêm tốn do COVID-19 tiếp tục kìm hãm thương mại quốc tế.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng và mức độ hạn chế do dịch bệnh giảm đi so với thời gian trước trong năm giúp các nhà sản xuất có thể tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 11. Tuy nhiên, một số công ty cho biết, tình trạng thiếu hụt lao động đã làm hạn chế sản xuất. Một số người trả lời khảo sát cho biết, công nhân đã lo lắng về đại dịch và do đó ngần ngại không muốn trở lại làm việc, khiến các nhà sản xuất khó tăng được lực lượng lao động để đáp ứng khối lượng công việc tăng.
Việc làm tiếp tục giảm đáng kể khiến lượng công việc tồn đọng tăng tháng thứ ba liên tiếp.
Những lo lắng về đại dịch cũng làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà sản xuất khi tâm lý kinh doanh đã giảm so với tháng 10. Tuy nhiên, các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới khi có những hy vọng rằng tình trạng sức khỏe cộng đồng sẽ cải thiện.
Giá dầu và chi phí vận tải tăng, cộng với tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu, đã góp phần làm giá cả đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 11. Giá cả đầu ra cũng tăng khi các công ty chuyển giao gánh nặng chi phí sang cho khách hàng.
Tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu, sự suy giảm năng lực của khâu chuyển hàng và những khó khăn trong hoạt động vận tải do đại dịch COVID-19 đã góp phần làm kéo dài thời gian giao hàng.
Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: “Trong khi lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng trong tháng 11, làn sóng đại dịch COVID-19 mới phủ bóng lên triển vọng ngắn hạn của các công ty. Niềm tin kinh doanh giảm so với tháng trước, trong khi những lo lắng về tình trạng sức khỏe cộng đồng tiếp tục khiến công nhân không muốn trở lại nhà máy, từ đó hạn chế khả năng tăng sản lượng của các công ty. Do đó, độ dài và mức độ trầm trọng của làn sóng lây nhiễm hiện nay sẽ là nhân tố quan trọng quyết định kết quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022”.