“Chỉ tài xế Việt mới dùng đèn cảnh báo nguy hiểm là đèn ưu tiên, đi thẳng”

Thời gian gần đây, báo chí và mạng xã hội có đăng bài viết về một tình huống mà ở đó, lái xe 16 chỗ đã bật đèn cảnh báo nguy hiểm (hazard) rồi “vô tư” rẽ phải mà chẳng hề quan sát xung quanh, làm xô ngã người đi xe máy. Kiểu tham gia giao thông như vậy không hiếm gặp ở Việt Nam và tôi nghĩ rằng có lẽ cũng chỉ có người Việt mới có cách dùng đèn hazard lạ đời như vậy.

“Chỉ tài xế Việt mới dùng đèn cảnh báo nguy hiểm là đèn ưu tiên, đi thẳng”

Việc ô tô bật đèn cảnh báo nguy hiểm rồi vô tư đi vào làn khẩn cấp diễn ra thường xuyên tại Việt Nam (Ảnh cắt từ video MXH).

Nếu bạn đi trên các tuyến cao tốc, hẳn đã thấy cảnh những chiếc xe khách phóng “bạt mạng”, chạy cả vào làn khẩn cấp và kèm theo là mở đèn hazard. Không biết họ lấy cái quyền gì mà nghĩ rằng bật đèn khẩn cấp là được chạy ẩu như thế, hết vượt trái lại vượt phải. Nếu gặp phương tiện không nhường đường, những xe này còn “dí” sát và bấm còi inh ỏi.

Ngay cả đi trong những tuyến phố đông đúc, vẫn có những lái xe bật đèn hazard rồi nghĩ rằng mình được ưu tiên và phóng nhanh, lượn từ làn trong ra làn ngoài. Đành rằng ai cũng có những lúc cấp bách nhưng giữa dòng phương tiện dày đặc như vậy thì cũng chẳng đi nhanh hơn được. Chưa kể là kiểu tạt ngang tạt ngửa như thế rất dễ xảy ra va chạm.

Nhưng vẫn chưa hết đâu, đèn hazard ở Việt Nam còn được rất nhiều người sử dụng để… đi thẳng. Đó là khi tài xế chuẩn bị đi vào những đoạn giao cắt, họ bật lên, rồi khi đi qua thì tắt đi. Phải chăng những người này nghĩ rằng xi-nhan một bên dùng để rẽ thì “xi-nhan hai bên” dùng để đi thẳng qua ngã tư hay vào vòng xuyến?

“Chỉ tài xế Việt mới dùng đèn cảnh báo nguy hiểm là đèn ưu tiên, đi thẳng”

Đèn cảnh báo nguy hiểm không dùng để đi thẳng qua ngã tư hay vòng xuyến.

Tôi đã mấy lần đi sau những xe bật đèn hazard như vậy khi vào ngã tư và rất khó chịu bởi không thể biết họ định rẽ trái hay rẽ phải. Nếu nhìn từ bên hông xe lại chỉ thấy một bên đèn, thành ra phán đoán nhầm tình huống. Kiểu dùng đèn hazard như vậy rất hay gặp ở tỉnh, những khu vực ngoài trung tâm.

Ngoài ra, đèn hazard còn được dùng ở Việt Nam theo cách vô tội vạ như để vượt xe khác, dừng đỗ (mà không hề nguy hiểm)... Phải chăng tài xế không được dạy về tác dụng và nhiệm vụ của loại đèn này sao, hay họ tự suy diễn ra và lạm dụng nó?

Thực ra, ngay từ cái tên đã nói lên chức năng và nhiệm vụ: đèn cảnh báo nguy hiểm. Biểu tượng của nó bên trong ô tô là nút bấm có hình tam giác màu đỏ. Điều ấy có nghĩa đèn hazard dùng trong những trường hợp nguy hiểm, chẳng hạn khi phải dừng khẩn cấp, có tai nạn bất ngờ phía trước không di chuyển được…

Ngoài ra, một số trường hợp khác có thể sử dụng nhưng đừng lạm dụng. Đó là khi lùi xe ở nơi quá đông đúc và chật hẹp, đỗ xe ở nơi tối và chiếm lối đi hay khi trời mưa to, sương mù dày đặc… Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng những tình huống này cần hạn chế sử dụng, chỉ bật lên khi thấy xe mình có thể gây nguy hiểm cho người khác.

Tôi hy vọng rằng tài xế Việt sẽ trả lại đúng tên cho đèn hazard và dùng nó đúng cách. Điều đó không chỉ đem lại sự an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông mà còn là văn minh trong việc điều khiển ô tô.

Độc giả Nguyễn Huy

Theo Dân trí

Đọc thêm

Hụt cọc sớm VF3, nhiều người chuyển sang VF5 Plus để hưởng ưu đãi hơn 80 triệu đồng

Hụt cọc sớm VF3, nhiều người chuyển sang VF5 Plus để hưởng ưu đãi hơn 80 triệu đồng

Hội đủ các yếu tố hấp dẫn từ thiết kế, công năng sử dụng cho đến giá thành, 2 mẫu xe điện đô thị của VinFast đang trở thành lựa chọn lý tưởng cho những người mua ô tô lần đầu. VF 5 Plus có lợi thế về độ rộng rãi, sức mạnh động cơ, lại vừa được bổ sung bảng màu mới “trendy” không kém VF 3 cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn nên đang được nhiều khách hàng trẻ lựa chọn.
Vì sao ô tô dễ bốc cháy khi xảy ra tai nạn?

Vì sao ô tô dễ bốc cháy khi xảy ra tai nạn?

Tại thời điểm xảy ra va chạm, nhiên liệu có thể bị rò rỉ làm tăng nguy cơ cháy nổ xe. Đối với ô tô điện, khi xảy ra va chạm tại vị trí đặt pin cũng có thể gây cháy.