Tổng thống Biden (phải) và cựu Tổng thống Obama. Ảnh: Reuters
Tờ Newsweek (Mỹ) đưa nhận định Iraq là quốc gia minh chứng rõ ràng nhất. Mặc dù cách đây gần một thập niên, cựu Tổng thống Obama tuyên bố rút hoàn toàn quân khỏi Iraq nhưng đến nay binh sĩ Mỹ vẫn hiện diện tại quốc gia Trung Đông.
Một số nhà quan sát đánh giá đây là “nước cờ sai” của ông Obama dẫn đến việc mở đường cho sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng có quan điểm khác cho rằng chính sự lơ là của lực lượng an ninh Iraq mới là nguyên nhân khiến IS có cơ hội.
Tuy nhiên, một điều không thể chối cãi là Tổng thống Biden cũng hướng tới việc “cách ly” khỏi các chính sách trước đây. Cựu đại sứ Mỹ tại Iraq dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama, ông James Jeffrey, đã chỉ ra khác biệt là quan điểm của ông Biden “mang hơi hướng chính sách ngoại giao cuối thế kỷ 20 chính thống và ôn hòa hơn ông Obama”.
Ông James Jeffrey lập luận: “Tổng thống Biden không hoài nghi việc Mỹ chịu trách nhiệm hoặc là tác nhân đối với nhiều vấn đề an ninh thế giới. Theo ông Biden, nên coi Mỹ như phương pháp cứu chữa... Nhưng thế giới đang dịch chuyển và vượt xa quan điểm chính của Tổng thống Biden. Mỹ không còn là ‘quốc gia rất cần thiết’ và can thiệp của Washington vào nội bộ chính trị các nước khác sẽ khó lý giải và được coi như một thất bại”.
Mỹ đưa quân đến Iraq năm 2003, cựu Tổng thống George W. Bush đã tuyên bố chiến thắng nhưng vũ khí hủy diệt mà Washington cáo buộc cố lãnh đạo Saddam Hussein nắm giữ không bao giờ được tìm thấy. Mỹ cũng chưa chứng minh được ông Saddam Hussein có liên hệ với các thủ lĩnh Al-Qaeda. Trong quãng thời gian từ đó đến nay, ông Biden từ một thượng nghị sĩ đã trở thành phó Tổng thống và tiếp đó là Tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Binh sĩ Mỹ tại Mosul, Iraq. Ảnh: Reuters
Theo ông Jeffrey, những chỉ trích nhắm đến chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khiến chính quyền đương nhiệm cho rằng công việc khá dễ dàng là “đừng trở thành ông Trump”. Nhưng ngày 25/2, Tổng thống Biden ra lệnh không kích vào các vị trí tại miền Đông Syria mà Washington nghi ngờ có yếu tố Iran. Động thái này phần nào phản ánh "lằn ranh đỏ” từ thời người tiền nhiệm Donald Trump – người ra lệnh đánh bom không chỉ tại Syria mà còn Iraq.
Nhà nghiên cứu Ruba Ali al-Hassani tại Đại học York (Canada) có quan điểm rằng cuộc không kích mới nhất của Mỹ tại Syria làm “leo thang căng thẳng”, đổ thêm dầu vào lửa trong cái vòng luẩn quẩn tồn tại nhiều năm qua. Theo bà, thay vì dùng phương pháp can thiệp quân sự, chính quyền Tổng thống Biden nên tập trung vào Thỏa thuận các lực lượng chiến lược. Bà Ruba Ali al-Hassani nói: “Đây là cơ hội để Mỹ thay đổi phương thức tại Iraq bởi những biện pháp cũ không có hiệu quả”.
Nhà phân tích Lahib Higel tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế cũng đề nghị Mỹ đưa ra chiến lược Iraq ưu tiên Iraq thay vì bao hàm thêm những khó khăn địa chính trị với Iran.