Đại biểu tham dự buổi làm việc
Báo cáo với đoàn giám sát, Tiến sĩ Cao Thành Lê - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức hiện có 134 giáo viên, đào tạo 12 ngành nghề và các chương trình ngắn hạn, trong đó có 2 ngành đạt cấp độ chuẩn quốc tế, 4 ngành cấp độ khu vực, 1 ngành cấp quốc gia. Hiện đang có 2.982 học viên theo học tại trường, quy mô tuyển sinh hàng năm trên 1.000 HSSV.
Tiến sĩ Cao Thành Lê - Hiệu trưởng nhà trường báo cáo kết quả đạt được
Phương pháp dạy và học từng bước được đổi mới theo hướng chủ động, tích cực, độc lập. Việc tổ chức đào tạo dần chuyển sang hình thức tích lũy tín chỉ theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Hoạt động hợp tác quốc tế với các nước Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… được đẩy mạnh cả về quy mô, hiệu quả, hình thức, đa dạng về nội dung. Tỷ lệ HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp luôn đạt trên 95%, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh nhà.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức đã đề xuất một số kiến nghị tới Trung ương như: Đẩy mạnh phân luồng học sinh từ bậc THCS lên THPT nhằm định hướng tốt hơn nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách để thu hút và khuyến khích người dân vào học các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp…
Đoàn giám sát tham quan thực tế tại khu vực thực hành của trường
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Triệu Thế Hùng bày tỏ sự ấn tượng với những kết quả đạt được của nhà trường; khẳng định Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh là một trong những trường trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Triệu Thế Hùng bày tỏ sự ấn tượng với những kết quả mà nhà trường đạt được
Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng đề nghị nhà trường thông tin cụ thể hơn về các vấn đề quy hoạch giáo dục, tự chủ về tài chính, tự chủ về tổ chức bộ máy, về đào tạo, nghiên cứu… Trường cần có sự lựa chọn ngành nghề đạo tạo phù hợp, đặc biệt là trong thời điểm chuyển biến về nhận thức của xã hội đối với dạy nghề; có chế độ chính sách, ưu đãi đối với học viên đăng ký học các ngành nghề độc hại; có chiến lược mang tính chất hệ thống trong truyền thông.