"Chúng tôi muốn ông Lê làm trưởng thôn đến lúc… răng rụng mới thôi"

(Baohatinh.vn) - Về thôn Hồ Vân Giang, xã Kỳ Đồng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hỏi về Trưởng thôn Nguyễn Văn Lê, nhiều người dân cho biết: “Gần 8 năm cống hiến, ông ấy muốn nhường cho lớp trẻ phấn đấu, nhưng chúng tôi lại muốn ông ấy gánh vác việc thôn đến lúc… răng rụng mới thôi”.

“Chúng tôi muốn ông Lê làm trưởng thôn đến lúc… răng rụng mới thôi”

Ông Nguyễn Văn Lê được đánh giá là một trưởng thôn tâm huyết, trách nhiệm và có kỹ năng

Người dân thôn Hồ Vân Giang cho rằng, trong giai đoạn thôn tiến hành sáp nhập, rồi dồn sức làm nông thôn mới, may mắn là có được người đứng đầu nói ít, làm nhiều và luôn đi trước như ông Nguyễn Văn Lê.

Năm 2012, thôn Hồ Vân Giang được thành lập dựa trên việc nhập 2 thôn Hải Vân và Tây Hồ. Trong những ngày đầu khó khăn của công tác sáp nhập, ông Nguyễn Văn Lê (SN 1963) được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn để cáng đáng việc chung. “Tôi hiểu rõ những thử thách đang chờ đợi mình, nhưng với bản lĩnh của người cựu chiến binh và tinh thần vì tập thể, tôi đã nhận nhiệm vụ người đứng đầu” - ông Lê chia sẻ.

Xây dựng hạ tầng thôn mới, khó nhất là vận động người dân hiến đất thực hiện các công trình đảm bảo sinh hoạt của người dân từ 2 khu vực nhập vào làm một, đồng thời từng bước đổi thay diện mạo khu dân cư mới.

Theo ông Lê, không có cách nào tốt hơn là triển khai rõ ràng, cụ thể từng nội dung, phần việc trong các cuộc họp thôn và lấy ý kiến thống nhất của nhân dân. Tiếp đó là kiên trì và khéo léo đến từng nhà để chuyện trò, vận động.

“Chúng tôi muốn ông Lê làm trưởng thôn đến lúc… răng rụng mới thôi”

Trưởng thôn Nguyễn Văn Lê vận động người dân chỉnh trang, làm đẹp những tuyến đường

“Để thuyết phục người dân giải phóng mặt bằng để xây dựng 15 tuyến đường ngang trục thôn, tôi cố gắng tranh thủ sự đi đầu của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của những quần chúng tích cực để tạo cú hích cho những hộ trung lập.

Đối với những gia đình phản ứng còn gay gắt thì tạm thời mình "lờ" đi. Sau khi bà con xung quanh đã giải phóng xong mặt bằng, thì bản thân họ ít nhiều tự nhận ra. Lúc đó cán bộ đến chuyện trò phân tích phải trái, không có lý do gì để họ từ chối trách nhiệm chung nữa” - ông Lê chia sẻ cách làm.

Với sự kiên trì, khéo léo nhưng cũng hết sức quyết tâm của người đứng đầu, thôn Hồ Vân Giang đã mở rộng và đổ bê tông 1,7 km đường trục thôn với chiều rộng được nâng lên 6m. Cũng với cách làm đó, ông Lê đã động viên người dân kiên cố 1,1 km kênh mương dẫn nước cho 7 ha lúa ở vùng cao táo lâu nay bỏ hoang. Nước dẫn về chân ruộng giúp thôn mở rộng diện tích sản xuất 2 vụ lên 20 ha, cùng với việc ứng dụng giống mới, thâm canh, nâng cao năng suất, thôn Hồ Vân Giang trở thành dẫn đầu về sản xuất lúa của xã Kỳ Đồng.

“Chúng tôi muốn ông Lê làm trưởng thôn đến lúc… răng rụng mới thôi”

Vườn mẫu của Trưởng thôn cho thu nhập trên 30 triệu đồng/năm

Tự nhận mình là lão nông tri điền, ông Lê nói, từ khi ông xuất ngũ trở về địa phương, tôi tập trung thâm canh, sản xuất, vì vậy tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm để giúp người dân trong thôn mở mang sản xuất. Để đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn, xây dựng vườn mẫu, vườn có giá trị kinh tế, Trưởng thôn là người tiên phong xây dựng vườn mẫu với hơn 1 ngàn m2 đất trồng rau, củ, quả quanh năm.

Ông Ngô Đức Lý - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn cho biết: “Trưởng thôn xung phong làm trước và làm rất bài bản, khoa học. Rau củ trong vườn mùa nào thức đó nên sản phẩm ngày nào cũng có đi chợ, thu nhập mỗi năm hơn 30 triệu đồng. Không phải tuyên truyền gì nhiều, bà con đến xem thấy hiệu quả về triển khai ở vườn nhà mình. Đến nay, toàn thôn có 16 vườn mẫu cấp huyện và tỉnh”.

“Chúng tôi muốn ông Lê làm trưởng thôn đến lúc… răng rụng mới thôi”

Tận dụng quỹ đất, nhiều hộ dân trong thôn chuyển từ cây rau ngắn ngày sang phát triển các vườn cây ăn quả. Trong ảnh: Trưởng thôn Nguyễn Văn Lê động viên ông Trần Văn Hoành (bên trái) phát triển vườn ăn quả rộng hơn 2.000 m2

Đời sống được nâng cao, NTM được xây dựng, năm 2017, người dân thôn Hồ Vân Giang đăng ký xây dựng khu dân cư mới kiểu mẫu. Trưởng thôn Lê lại tiếp tục gác việc nhà bám sát từng công trình, phần việc, vừa làm, vừa cùng bà con tháo gỡ khó khăn để đảm bảo đường găng tiến độ. Dự kiến đến cuối năm 2019, thôn sẽ được công nhận khu dân cư kiểu mẫu.

Cũng trong năm nay, khi Hồ Vân Giang đang bước gần tới đích kiểu mẫu thì Trưởng thôn Nguyễn Văn Lê cũng bắt hành trình phấn đấu kết nạp Đảng để đáp ứng yêu cầu mới. Hoàn thành lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng với kết quả xuất sắc, ông Lê đã được Chi ủy, Đảng ủy hoàn thiện hồ sơ gửi lên Ban Tổ chức Huyện ủy để chuẩn bị được chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng trong năm 2019 này.

“Chúng tôi muốn ông Lê làm trưởng thôn đến lúc… răng rụng mới thôi”

Ông Lê chia sẻ niềm vui hoàn thành lớp cảm tình Đảng với kết quả loại giỏi

Ông chia sẻ: “Ở tuổi này, tôi cũng định bụng tới đây khi kiện toàn bộ máy thôn thì sẽ lùi bước nhường chỗ cho thế hệ trẻ, nhưng khi đưa ra bàn, bà con trong thôn không chấp thuận.

Sự tin tưởng, mến yêu của bà con chính là phần thưởng, động lực để tôi tiếp tục nỗ lực làm tốt trách nhiệm người đứng đầu thôn. Cũng bởi vậy, khi Đảng ủy xã động viên đi học đối tượng Đảng, dù đã ở thế hệ 6X nhưng tôi xác định rằng, còn sức là còn phải phấn đấu và cống hiến cho Đảng, cho quê hương”.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.